Chứng khoán ngày 7/8, duy trì xu hướng tăng trong những tuần trước, VN-Index phiên đầu tuần tiếp tục tạo khoảng trống tăng giá và vượt lên vùng giá đỉnh cũ 1.234,5 điểm ngày 1/8/2023 với thanh khoản gia tăng tốt.
Kết phiên VN-Index tăng mạnh 15,44 điểm (+1,26%) lên mức 1.241,42 điểm với kỳ vọng tiếp tục hướng đến vùng giá quanh 1.280 điểm, giá cuối tháng 8/2022. HNX-Index tăng 3,27 điểm (+1,35%) lên 245,68 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết nghiêng về tích cực với tổng cộng 468 mã tăng giá (31 mã tăng trần), 192 mã giảm giá (5 mã giảm sàn) và 136 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết trong phiên đạt 28.588,11 tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm nay, trong đó bao gồm giao dịch thỏa thuận đột biến từ cổ phiếu ACB.
Dòng tiền vẫn đang gia tăng, hoạt động mạnh mẽ trong thị trường và tập trung nhiều vào nhóm mã vốn hóa lớn, ngân hàng. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và bán ròng trên HOSE với giá trị 394,32 tỷ đồng; bán ròng trên HNX với giá trị 20,35 tỷ đồng.
Ngày 5/8/2033, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu đặc biệt lưu ý những nội dung: Đảm bảo và cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhất là 3 động lực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hạ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, tăng tín dụng và tăng cung tiền phù hợp. Chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đầu tư công. Đảm bảo an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia. Rút ngắn quy trình, thủ tục, xây dựng thể chế cũng như các văn bản quy định pháp luật. Đồng thời "Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023 là 6,5%. Những tháng cuối năm phải có mức tăng trưởng khoảng 9%".
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có diễn biến tích cực ngày từ đầu phiên với thông tin nhà đầu tư trong nước đã mở mới 150.407 tài khoản chứng khoán trong tháng 7 mức cao nhất trong vòng 11 tháng kể từ tháng 8 năm ngoái, nhiều mã tăng giá tốt với thanh khoản gia tăng mạnh như PSI (+7,78%), VDS (+6,91%), SHS (+3,87%), HCM (+3,30%)... ngoài VND (-0,24%)...
Các cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến nổi bật, là động lực chính dẫn dắt VN-INDEX vượt kháng cự đỉnh cũ với nhiều mã tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến như LPB (+6,96%), NVB (+6,71%), CTG (+5,16%), SGB (+5,13%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh như ACB (-2,66%), KLB (-1,35%), VBB (-0,81%)..
Nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng phân hóa, với dòng tiền luân chuyển trong nhóm ngành khá tích cực như DHA (+5,97%), VSC (+4,60%), VLB (+2,63%), HBC (+2,44%), LCG (+2,43%)... tăng giá tốt trong khi PHC (-4,63%), VCG (-1,85%), CTD (-0,93%)...
Trong khi đó các mã nhóm bất động đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản trên mức trung bình với TDC (-4,89%) bị bán mạnh khi kết quả kinh doanh kém tích cực, SJS (-2,89%), QCG (-2,75%), HDC (-2,39%).... và các mã tăng giá như VIC (+2,73%), VPH (+2,65%), NVL (+2,20%), CEO (+1,51%)...
Tiếp tục bứt phá
Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm tiệm cận vùng kháng cự 1.260 – 1.265 điểm. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn duy trì ở mức cao ở phiên tăng mạnh, nhưng dòng tiền vẫn chủ yếu tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index có thể sớm tiệm cận vùng kháng cự 1.260 – 1.265 điểm cho nên thị trường có thể đối mặt với các áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn trong vùng lạc quan cho nên chiến lược chủ đạo vẫn là nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế mua mới ở những phiên giao dịch tới.
VN-Index chinh phục mốc mới
Chứng khoán Mirae Asset
Thị trường mở cửa duy trì sắc xanh nhờ sự ủng hộ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, kéo chỉ số chinh phục mức điểm mới kể từ đầu năm tới nay. Kết phiên, VN-Index đóng cửa ở mức 1.241 điểm, tương ứng tăng 15,44 điểm (+1,26%). Thanh khoản phiên nay duy trì mức cao, đạt hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, tương ứng 26.533 tỷ đồng về giá trị.
Phiên hôm nay, ghi nhận 342 mã tăng và 129 mã giảm. Trong đó nhóm cổ phiếu thuộc VN30 ghi nhận đóng góp tích cực nhất lên chỉ số khi 27/30 mã tăng điểm. Ngoài ra, các nhóm ngành như: ngân hàng (CTG, VCB, VPB, …), thủy sản (ANV, CMX, FMC, …), chứng khoán (HCM, SSI, MBS, …)... góp phần nâng đỡ chỉ số giữ vững sắc xanh.
Ở chiều ngược lại, một vài cổ phiếu thuộc nhóm ngành riêng lẻ là nhân tố tác động tiêu cực nhất lên chỉ số như: ACB, BCM, VHM, NLG, VCG, DGC…
Khối ngoại bán ròng với giá trị hơn 393 tỷ đồng trên HSX, bán ròng ở các mã: NLG (-90 tỷ), DXG (-74 tỷ), NVL (-41 tỷ), … Ngược lại, tập trung mua ròng ở các mã: VNM (+81 tỷ), VIC (+47 tỷ), MSN (+35 tỷ), …
Phiên giao dịch tăng điểm kèm thanh khoản tăng khiến điểm số kỹ thuật trong ngắn hạn theo thang điểm cải thiện từ mức -1 lên mức +3, thể hiện trạng thái trung tính. Hệ số P/E của VN-Index ở mức 16.8x.
Tiếp tục nối dài mạch tăng điểm
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hình thành nến xanh tăng điểm tích cực, vượt lên trên khu vực 1240. Xét về cả 2 khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo tuy ở mức cao nhưng vẫn đang hướng lên. Đáng chú ý là ở khung đồ thị ngày, việc tăng mạnh của chỉ báo MACD đã xóa đi rủi ro hình thành 2 đỉnh.
Nếu lực cầu vẫn duy trì mạnh mẽ như hiện tại, VN-Index sẽ tiếp tục nối dài mạch tăng điểm để hướng lên khu vực 1.250 – 1.260 tương ứng với mốc 1 của thang đo Fibonacci mở rộng.
Tiến lên ngưỡng 1.250
Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index hôm nay bật tăng hơn 15 điểm, đóng cửa tại mốc 1.241,42. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 16/18 ngành tăng điểm, trong đó nhóm ngành Thực phẩm và đồ uống, Ngân hàng dẫn đầu đà tăng hôm nay. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể theo quán tính tăng, tiếp tục tiến lên ngưỡng 1.250.
Hướng lên vùng 1.255
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau nhịp mở gap đầu phiên, VN-Index diễn biễn rung lắc giằng co trước khi hồi phục và mở rộng biên độ tăng điểm về cuối phiên. Áp lực chốt lời suy yếu kết hợp với lực mua chủ động gia tăng đã giúp cho chỉ số chinh phục thành công ngưỡng cản gần quanh 123x. Mặc dù áp lực rung lắc sẽ ngày càng trở nên rõ nét hơn trong quá trình đi lên, cơ hội mở rộng đà tăng điểm và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.255 (+-2) của VN-Index vẫn tiếp tục được đánh giá cao.
Nhà đầu tư được khuyến nghị giao dịch cân bằng, bán hạ tỷ trọng tại các nhịp vượt đỉnh và chỉ mở mua trở lại khi chỉ số về quanh ngưỡng hỗ trợ.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.