Chứng khoán tuần 15/1-19/1, sau tuần giao dịch điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá hỗ trợ quanh 1.150 điểm, tương ứng với đường giá trung bình MA200 tuần. VN-Index đã có tuần giao dịch rất tích cực dưới ảnh hưởng của các đạo luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua.
VN-Index tăng điểm trong hầu hết các phiên trong tuần, kết tuần ở mức 1.181,50 điểm tăng 2,32% so với tuần trước với ảnh hưởng tích cực đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. HNX-Index kém tích cực hơn khi giảm 0,36% so với tuần trước về mức 229,48 điểm.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 70.340,05 tỷ đồng, giảm khá mạnh 28,4% so với tuần trước, dưới vượt mức trung bình. Trong đó thanh khoản giảm mạnh hơn 31,6%. HNX-Index thanh khoản giảm mạnh hơn 35,8% với 5.839,91 tỷ đồng được giao dịch. Thể hiện mức độ phân hóa mạnh và xu hướng tăng giá tích cực chủ yếu chỉ tập trung vào số ít mã và nhóm ngân hàng.
Nhà đầu tư nước ngoài sau 2 tuần bán ròng đã gia tăng giao dịch và mua ròng trở lại với giá trị 586,2 tỷ đồng trên HOSE, trong đó mua ròng trở lại khá tốt ở nhóm ngân hàng, bán lẻ, thép...; tiếp tục bán ròng trên HNX với giá trị 38,71 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với ảnh hưởng tích cực từ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao từ đầu năm và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua là tâm điểm của thị trường trong tuần khi nhiều mã tiếp tục gia tăng mạnh. Thanh khoản đột biến và tập trung vào nhóm ngân hàng lớn và các ngân hàng có kết quả kinh doanh quý 4/2023 tăng trưởng mạnh, nổi bật như BID (+8,37%), LPB (+4,82%), VCB (+4,40%), CTG (+3,49%), MBB (+3,28%)... ngoài các ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh KLB (-4,72%), ABB (-2,35%), SGB (-1,52%)....
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa mạnh với thanh khoản khá đột biến khi nhiều mã bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 4/2023, nổi bật với TVB (+14,90%), BSI (+10,11%), DSC (+6,77%), FTS (+2,50%).... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh mạnh như BMS (-6,19%), PSI (-3,33%)...
Các cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp cũng có diễn biến khá nổi bật trong tuần khi Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua khi đa số tăng điểm tốt, thanh khoản gia tăng đột biến ở nhiều mã như NLG (+7,14%), SZC (+6,41%), NDN (+6,12%), TIP (+5,31%), KDH (+5,02%)...Trong khi đó đa số các nhóm ngành khác biến động trong biên độ hẹp, phân hóa với thanh khoản suy giảm.
Hạn chế mua đuổi gia tăng tỷ trọng khi VN-Index đang tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm
Chứng khoán SHS
Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường vận động tích cực và đã hình thành nhịp tăng ngắn hạn mới, tuy nhiên VN-Index sẽ sớm gặp cản tâm lý 1.200 điểm và có thể có rung lắc, cản mạnh thực sự của nhịp tăng ngắn hạn sẽ là cản trên của kênh tích lũy trung hạn quanh vùng 1.250 điểm.
Về góc nhìn trung hạn, SHS duy trì quan điểm sau giai đoạn hồi mạnh thị trường đang trong giai đoạn hình thành nền tích lũy mới và chúng tôi kỳ vọng sẽ trong vùng 1.150 điểm - 1.250 điểm, với biên độ dao động rộng nên thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục nắm giữ danh mục, hạn chế mua đuổi gia tăng tỷ trọng khi VN-Index đang dần tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang dần củng cố và hình thành nền tảng tích lũy nhưng quá trình này sẽ kéo dài, nhà đầu tư trung dài hạn hoàn toàn có thể giải ngân nhưng với quan điểm mua tích lũy dần vì thời điểm hình thành uptrend mới sẽ còn khá dài.
Mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp quanh 1.145 – 1.185
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sau nhịp mở gap tăng điểm đầu phiên, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng dần mở rộng biên độ về cuối phiên. Việc chỉ số hình thành mẫu hình nến marubozu với thanh khoản tăng, cùng với dòng tiền lan tỏa lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp cho trạng thái thị trường trở nên tích cực hơn. Nhiều khả năng chỉ số có thể tiếp tục duy trì quán tính tăng điểm lên vùng đích kỳ vọng được đặt quanh 1.185 (+-10).
Nhà đầu tư được khuyến nghị mua/bán linh hoạt 2 chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự, cụ thể là quanh 1.145 (+-5) và quanh 1.185 (+-5).
Thị trường có thể gặp phải áp lực chốt lời trong những phiên tới
Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường có thể gặp phải áp lực chốt lời trong những phiên tới do chỉ số đã chạm đến ngưỡng kháng cự 1.180.
Giao dịch lướt sóng nhằm tận dụng xu hướng tích cực của thị trường
Chứng khoán Phú Hưng
Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch tuy vẫn dưới mức bình quân 10 và 20 phiên nhưng có dấu hiệu gia tăng so với các phiên gần đây, hàm ý dòng tiền đang có sự cải thiện tích cực.
Không những vậy, chỉ số duy trì đóng cửa trên MA5, cùng với chùm MA5, 20, 50 giữ trạng thái phân kỳ dương tích cực, cho thấy xu hướng phục hồi đang mạnh lên.
Thêm vào đó, đường MACD giữ trên Signal củng cố tín hiệu mua và đường RSI nằm trên vùng 75 thể hiện đà tăng đang khá mạnh, cho thấy chỉ số có thể sớm tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự gần quanh vùng tâm lý 1.200 điểm và xa hơn là vùng 1.250 điểm.
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index lại có phiên giảm điểm nhẹ. Mặc dù chỉ số chưa thoát khỏi trạng thái Sideway quanh chùm MA5 tới 200 hội tụ và phẳng, nhưng chỉ số đang tạo nền ổn định tại vùng hỗ trợ MA20 và giữ được đóng cửa trên MA5. Do đó, chỉ số có thể sớm có cơ hội phục hồi trở lại vùng biên trên quanh 235 điểm. Nhìn chung, thị trường vẫn tiếp diễn xu hướng phục hồi ngắn hạn sau phiên tăng 19/1.
Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện các giao dịch lướt sóng nhằm tận dụng xu hướng tích cực của thị trường. Trong đó, ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt, có báo cáo lợi nhuận quý 4 tăng trưởng khả quan.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.