Dấu ấn lịch sử trên phố thương mại Tràng Tiền

Nằm ở trung tâm thành phố, Tràng Tiền là một trong số ít con phố đẹp nhất của Hà Nội. Hơn tất cả, với vị trí đặc biệt của mình, mỗi công trình, ngôi nhà, góc phố ở đây không chỉ có giá trị về mặt nghệ
Dấu ấn lịch sử trên phố thương mại Tràng Tiền

Đó là nơi “kể” lại cho các thế hệ sau về những thời khắc hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do.

Quảng trường của niềm vui và chiến thắng

Phố Tràng Tiền nằm trên nền đất cổ của Thăng Long xưa. Nhiều tài liệu lịch sử đã ghi lại rằng, đầu thời nhà Nguyễn, một xưởng đúc tiền kẽm được lập tại đây nên phố được đặt tên là Tràng Tiền. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, phố mang một số tên gọi khác nhưng cuối cùng vẫn quay lại với tên phố cũ.

Con phố dài gần 800m này thường được nhà giáo Phạm Văn Thân – nguyên giáo viên bộ môn Lịch Sử, trường THPT Phan Đình Phùng nhắc đến trong các bài giảng của mình suốt hơn 40 năm đứng lớp. Nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước trong thế kỷ XX đã diễn ra trên phố Tràng Tiền. “Cuối phố Tràng Tiền là Nhà hát Lớn phục vụ biểu diễn nghệ thuật được xây dựng năm 1901, phía trước có quảng trường rất rộng. Ngày 19/8/1945, tại quảng trường này đã diễn ra sự kiện đặc biệt. Đó là cuộc mit tinh quy tụ hơn 10 vạn đồng bào dưới rừng cờ đỏ sao vàng đã chuyển thành khởi nghĩa giành chính quyền, tạo thời cơ và động lực để làn sóng cách mạng tỏa đi khắp cả nước vùng dậy giành chính quyền, chính thức khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

30 năm sau, vào ngày 30/4/1975, cũng tại chính con phố nhỏ ở trung tâm TP, người dân Thủ đô, một lần nữa lại vỡ òa trong nước mắt và niềm hạnh phúc khi nghe tin thắng trận từ chiến trường miền Nam gửi về. Điều kiện thông tin liên lạc thời điểm đó còn hạn chế nên người Hà Nội thường ra Bồ Hồ, chỗ nhà thông tin ở đầu phố Tràng Tiền cập nhật tin chiến thắng. 12h ngày 30/4/1975, từ chiếc loa nhỏ trên cửa sổ tầng 2, giọng nói trầm ấm nhưng dõng dạc của phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam tự hào thông báo: “Đúng 11h30, Quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay trên nóc dinh Độc Lập”... Cả tuyến phố với hàng ngàn con người như vỡ òa, tiếng vỗ tay vang dội, chúng tôi nhìn nhau hân hoan, tự hào, niềm vui đan xen với những giọt nước mắt…

Thật khó có ngôn từ nào có thể diễn đạt hết cảm xúc của ngày thống nhất non sông. Tin vui chiến thắng lan nhanh, từng dòng người, đoàn người từ khắp nơi đổ về đây cùng nhau tận hưởng, chia sẻ niềm hạnh phúc vô bờ bến. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng. Quảng trường Cách mạng tháng Tám của 30 năm trước đã trở thành Quảng trường của niềm vui và hạnh phúc trong ngày 30/4/1975. Cho đến ngày hôm nay, 43 năm sau ngày đất nước thống nhất, Thủ đô Hà Nội đã phát triển và mở rộng nhưng Quảng trường Cách mạng tháng Tám vẫn là điểm đến, một không gian lắng đọng cảm xúc, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cho nhiều thế hệ người dân Thủ đô.

Phố thương mại với không gian kiến trúc độc đáo

Là tuyến phố được xây dựng theo kiểu phương Tây từ năm 1885, Tràng Tiền trở thành phố đầu tiên của Hà Nội được trải nhựa mặt đường, có vỉa hè. Với diện mạo mới và hiện đại nên Tràng Tiền quy tụ nhiều cửa hàng kinh doanh vào loại sớm nhất tại Hà Nội với đủ các loại hình dịch vụ từ nhà hát, rạp chiếu bóng, khách sạn, hiệu thuốc, cửa hàng bách hóa, hiệu sách, nhà in, nhà xuất bản, ngân hàng… Trong đó, địa danh nổi tiếng nhất gắn liền với phố thương mại này là cửa hàng bách hóa ở đầu phố được xây dựng từ năm 1902 mà tên gọi của nó – “nhà Godard” – cho đến nay, nhiều cao niên ở Hà Nội vẫn nhắc nhớ. Nền đất của cửa hàng bách hóa là nơi họp chợ theo phiên như nhiều phiên chợ khác ở Hà Nội, chuyên bán các đồ thủ công, lương thực tại vỉa hè. Sau này, khu đất được cải tạo, xây dựng thành cửa hàng, bày bán nhiều loại hàng hóa, kể cả hàng nhập khẩu xa xỉ phục vụ người nước ngoài và tầng lớp trung lưu như đồ trang sức, sành sứ, giày dép, nước hoa, đồng hồ đến đồ nội thất… Việc xây dựng nhà Godard rõ ràng đã trở thành bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống.

Hoạt động kinh doanh buôn bán trên phố Tràng Tiền ngày càng trở nên tấp nập. Để chống nắng, thay cho những mảnh bạt kín mít trên vỉa hè làm mất mỹ quan phố phường, năm 1920, các tòa nhà lớn ở Tràng Tiền đã được phép làm mái hiên che kín hè bằng vật liệu bền chắc nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và hiệu quả. Vì thế, nhà hàng Godard và một số tòa nhà khác đã làm mái hiên mới với cột đỡ bằng thép rất ấn tượng và độc đáo. Hơn 90 năm đã trôi qua, những mái hiên che kín vỉa hè chạy ngang theo các căn nhà hiện vẫn đang tồn tại cùng thời gian. Tràng Tiền, vì thế trở thành phố duy nhất tại Hà Nội có hệ thống mái che độc đáo và ấn tượng cùng những dãy nhà hai tầng đặc trưng theo nguyên bản được xây dựng từ đầu thế kỷ XX.

Ngoài giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc, dấu ấn của một thời kỳ kinh doanh sầm uất vẫn hiện hữu trên tuyến phố. Nhà Godard xưa đã trở thành Cửa hàng bách hóa tổng hợp thuộc sở hữu của nhà nước từ năm 1960. Trước đó, năm 1958, cửa hàng kem quốc doanh Tràng Tiền tọa lạc tại số nhà 35 đã ra đời. Dù trải qua nhiều thăng trầm và chuyển đổi chủ sở hữu cho phù hợp với quy luật phát triển của thị trường nhưng sự tồn tại của hai thương hiệu – biểu tượng của thương mại Hà Nội, vẫn được nhiều người dân Thủ đô nhắc nhớ như một phần ký ức thân thương. Hàng ngày, hàng tuần, dòng người tấp nập từ khắp nơi vẫn tìm về Bách hóa tổng hợp Bồ Hồ (tên gọi tiền thân của Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza hiện nay) để tìm về không gian được gọi tên là “tủ kính của xã hội chủ nghĩa”. Ở Trung tâm thương mại sầm uất, hiện đại và xa xỉ là câu chuyện về những năm tháng bao cấp mà vải vóc, quần áo, phụ tùng xe đạp, giường tủ, thực phẩm... đều được người dân mua ở đây theo tem phiếu.

Rời Bách hóa Tổng hợp Bờ Hồ, xuôi theo phố Tràng Tiền dăm chục mét là cửa hàng kem Tràng Tiền. Ở Hà Nội, thật chẳng khó khăn để tìm một cửa hàng kem sang trọng có ghế ngồi thoải mái và được phục vụ tận tình nhưng dù mùa đông hay mùa hè, nhiều người vẫn có cái thú vừa phải xếp hàng chờ đợi, vừa ăn kem… đứng. Que kem Tràng Tiền không đắt, chỉ khoảng 10.000 đồng/que nhưng ăn ở đâu cũng khó có vị ngon như ăn kem ở số nhà 35. Trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều thương hiệu nội vất vả chống đỡ để trụ vững thì kem Tràng Tiền là ngoại lệ, kể cả khi cung cách phục vụ từ thời mậu dịch quốc doanh không thay đổi quá nhiều. Thậm chí, càng ngày thương hiệu kem này càng được yêu mến, đến mức, trên các diễn đàn trên mạng xã hội, những người mê kem còn thành lập hẳn “hội những ai yêu thích tàu điện và kem Tràng Tiền”.
Thật khó để đi tìm một lời kiến giải cho hiện tượng đặc biệt trong kinh doanh thương mại của Hà Nội. Song, có một điểm chung mà rất nhiều người đã chia sẻ. Đó là, que kem Tràng Tiền mang lại cho họ vị ngon và những kỷ niệm khó quên từ thời bao cấp thiếu thốn. Ăn kem vì thế không chỉ để cho đỡ khát mà còn thỏa nỗi nhớ, được hoài niệm về tuổi thơ ngộ nghĩnh hay làm sống lại một kỷ niệm đẹp.

Có thể bạn quan tâm