Đầu tư Skyway: Ván bài lật ngửa, đa cấp lộ diện!

Đại diện uỷ quyền quốc tế và Việt Nam của Skyway, bà Nguyễn Thị Lan Hương khẳng định rằng, cổ phiếu của Skyway đang được bán theo hình thức đa cấp. Nhưng việc bán cổ phiếu này chưa được sự cho phép củ
Đầu tư Skyway: Ván bài lật ngửa, đa cấp lộ diện!

Bạn đang thực sự là nhà đầu tư?

Ngày 3/5 vừa qua, Tập đoàn Skyway đã tổ chức “Lễ giới thiệu đại diện uỷ quyền quốc tế và Việt Nam của Skyway” với người đại diện là Nguyễn Thị Lan Hương. Bà Hương này cho biết, bà là người đại diện chính thức của tập đoàn trên toàn thế giới, chịu trách nhiệm thực hiện xúc tiến đầu tư, tổ chức sự kiện, hội thảo cũng như chịu trách nhiệm trong mọi vấn đề của Skyway.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng nhấn mạnh, website sw-tech.by mới là website chính thức của tập đoàn. Những thông tin nằm ngoài trang web này là những thông tin “không chính thức”. "Từ bây giờ, tôi chính là người phát ngôn của tập đoàn. Những thông tin liên quan đến tập đoàn trước đây đều không phải là thông tin chính thống", bà Hương này tái khẳng định. 

Khi được hỏi về những thông tin liên quan đến quá trình bán cổ phiếu, đặc biệt là thời điểm mà tập đoàn Skyway sẽ chính thức IPO, đại diện này từ chối trả lời và cho biết, thời điểm IPO vẫn chưa ấn định và là thông tin nội bộ của tập đoàn, không thể tiết lộ. Đồng thời, bà Hương khẳng định, việc bán cổ phiếu Skyway hiện nay được thực hiện theo hình thức đa cấp.

"Mấy năm nay, cổ phiếu Skyway đang như thế nào tại Việt Nam thì chắc bạn cũng biết. Nhưng đó chỉ là các công ty bán cổ phiếu họ nói như vậy thôi. Bây giờ, Tập đoàn mới chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, tôi mới là người được uỷ quyền chính thức. Thật ra, mấy năm nay, việc bán cổ phiếu để chuẩn bị IPO được coi là một bước thử trước thềm IPO", bà Hương thông tin. 

Nói thêm về việc phát hành cổ phiếu, người đại diện này cho biết, có hai công ty nhỏ liên kết với tập đoàn để phân phối cổ phiếu nhằm "test" tiền IPO. "Những công ty này cũng chính là đơn vị tổ chức các sự kiện trước đó như hội thảo với Trường đại học Giao thông vận tải. Nhưng bây giờ, tập đoàn mới chính thức ra mắt tại Việt Nam, đặt chân về để chuẩn bị ra mắt văn phòng đại diện. Mọi thông tin bắt đầu từ bây giờ mới là thông tin chính thức”, bà Hương này tiếp tục khẳng định.

Trước đây, để bán được cổ phiếu, họ đưa những người từ Belarus sang, giới thiệu là người của tập  đoàn nhưng đều là người "fake" - giả. Tập đoàn đâu có biết những người này. Bây giờ, tập đoàn mới cử tôi là người đại diện, được ủy quyền chính thức trên toàn thế giới”, bà Hương tái khẳng định. 

Cũng trong cuộc gặp với PV, chị Hương giới thiệu chồng mình (tên Thủy) là thư ký của nhà phát minh Anatoly Yunitsky - chuyên thực hiện việc sắp xếp các cuộc gặp gỡ, sự kiện, hoạt động của nhà phát minh này.

Ông Thủy cho biết, tại buổi lễ ra mắt và gặp gỡ ngày 3/5 vừa qua, chính ông Anatoly Yunitsky khẳng định, tất cả những hội nghị về Skyway trước đây đều là hàng "fake" - giả của những người bán cổ phiếu, không có thật. "Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên tôi và Skyway đến Việt Nam". 

Nhưng bất ngờ là, chính ông Thủy lại khẳng định, các công ty này hiện nay vẫn đang liên kết với Skyway. Và việc bán cổ phiếu vẫn đang tiếp tục diễn ra...

Theo những gì được ông Thuỷ và bà Hương chia sẻ, có thể hiểu, cổ phiếu Skyway được hai công ty “nhỏ” là Skyway.Capital và Skywayinvestgroup.com mua số lượng lớn, sau đó bán lẻ cho các cá nhân. 

Mọi thông tin liên quan đến tập đoàn, đặc biệt là thông tin liên quan đến việc IPO đều do chính hai công ty này đưa ra. 

Nhưng cũng chính tử sự chia sẻ kể trên, đến tận bây giờ, tập đoàn này còn chưa muốn ấn định/công bố thời điểm IPO cổ phiếu - dù chỉ là dự kiến - thì những thông tin như Skyway dự định IPO vào năm 2017, 2018 và lùi đến 2020 có được từ đâu - do chính hai công ty con đưa ra? Và liệu, tập đoàn Skyway có biết về điều này?

Câu hỏi lớn hơn, với những người đã mua cổ phiếu Skyway chính là, đến bao giờ, cổ phiếu này sẽ IPO? Và bên nào sẽ chịu trách nhiệm công bố thông tin cho các nhà đầu tư khi tập đoàn này, từ trước đến nay, vốn không chịu trách nhiệm về các giao dịch cổ phiếu? 

Từ năm 2014, cổ phiếu của Skyway đã được bán trên toàn thế giới, chia ra thành 15 giai đoạn với những giá bán khác nhau. Càng về những giai đoạn cuối cùng, giá mua cổ phiếu càng cao. 

Thông tin từ các trang web như Skyway.capital, worldbank.cf hay các trang web bán cổ phiếu này tại Việt Nam cho biết, “Năm 2014, tập đoàn phát hành là 400 tỉ cổ phiếu. Tập đoàn giữ lại 267 tỉ cổ phiếu, bán ra ngoài công chúng là 133 tỉ cổ phiếu. Đến nay đã bán được hơn 115 tỉ cổ phiếu. 

Nếu vậy, thật khó hiểu khi tập đoàn này không hề biết việc các công ty liên kết bán “đa cấp” cổ phiếu của mình suốt gần 5 năm qua. Và càng khó hiểu hơn khi, nếu biết và không cho phép bán theo mô hình này, phía tập đoàn vẫn không có bất kỳ động thái nào trong suốt thời gian dài kể trên. 

Vẫn còn nhớ, nhân viên tư vấn H. đến từ ATM Academy - một trong những đơn vị bán cổ phiếu Skyway tại Việt Nam cũng tư vấn rằng, sau khi mua cổ phiếu, các nhà đầu tư sẽ được gửi toàn bộ tài liệu, được hỗ trợ phát triển như "tìm kiếm khách hàng", thậm chí còn được đào tạo thêm về tài chính để "kiếm thêm tiền" từ ngành này.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Skyway Capital cùng các công ty khác đang kêu gọi vốn cho một dự án tiềm năng hay đơn giản là kinh doanh đa cấp để lấy tiền của mọi người?

"Họ sử dụng một tờ giấy A4 để xác nhận số cổ phiếu của một công ty Pre-IPO mà bạn sở hữu sau khi nộp tiền. Số cổ phiếu ấy, bạn cũng rất mù mờ về tính hợp pháp, hoặc ai sẽ bảo vệ bạn nếu công ty không bao giờ IPO? Và trong khi chờ, bạn phải đi mời chào người khác tham gia để được nhận % từ số cổ phần đã mua của những người bạn tuyển dụng.”, một người từng nghiên cứu về Skyway chia sẻ với PV.

Với những người đã bỏ tiền đầu tư, liệu có băn khoăn, mình có thực sự là nhà đầu tư và nắm trong tay lượng cổ phần nhất định của tập đoàn này? 

"Bong bóng cổ phiếu Skyway": Bao giờ phát nổ? 

Sự xác nhận về bản chất đa cấp của cổ phiếu Skyway của "Đại diện ủy quyền quốc tế và Việt Nam" - Nguyễn Thị Lan Hương đã chính thức xác nhận mối lo mà một chuyên gia nhận xét về dự án này: "Skyway thực chất là một dự án đa cấp quốc tế được tổ chức một cách bài bản. Mô hình đầu tư Skyway giống như con lai một cách tinh vi giữa mô hình Ponzi và mô hình kim tự tháp. Và tất nhiên, trong trường hợp này, rủi ro là rất lớn".

Theo vị chuyên gia này, hầu hết các mô hình đa cấp đều sẽ chấm dứt khi không thể tìm kiếm thêm được người tham gia, vì bản chất của đa cấp là lấy của người đến sau trả cho người đến trước. Với những mô hình mà tỷ lệ hoa hồng càng cao thì sức "công phá" khi "sập" càng lớn. 

Có thể nói, ít có một công ty đa cấp nào lại dám "mạnh miệng" đưa ra lợi tức “mời chào” thêm khách hàng lên đến 15% như Skyway. Còn nhớ, dự án lừa đảo tiền ảo gây chấn động Việt Nam năm 2018 – IFan chỉ mới dám đưa ra phần trăm doanh thu cao nhất sau khi mời chào được là 8%. 

Và hình thức bán cổ phiếu đa cấp này cũng rất thông minh khi đưa ra tận 6 cấp độ đầu tư linh hoạt tương ứng từng số tiền riêng biệt. Khách hàng đầu tiên đầu tư số tiền càng lớn thì các cấp độ nhận được "revenue" - lợi tức thu về càng nhiều. 

Đơn cử, nếu chỉ đầu tư ở mức “Partner”, bạn chỉ có thể 4 mức lợi tức nhận được khi mời thêm các nhà đầu tư khác. Mức hoa hồng cao nhất, bạn có thể nhận được là 15% và thấp nhất là 1%. 

Nhưng với mức đầu tư “Consultant”, bạn sẽ phải đầu tư tối thiểu 100$, nhận tối đa 15% hoa hồng nếu mời thêm được ít nhất 3 khách hàng cùng đầu tư 100$. Mức đầu tư này được chia là 5 cấp độ với mức hoa hồng chia theo từng cấp khác nhau. Nếu đầu tư từ 200$ trở lên, bạn sẽ nằm trong "hàng ngũ" các “Leader” nhưng phải mời thêm các nhà đầu tư khác để đạt mức từ 2000$ trở lên mới được nhận hoa hồng 15%. Mức đầu tư này được chia là 6 cấp độ.

Quy tắc này cũng diễn ra tương tự với các mức đầu tư như “Master”, “Expert” hay Top Expert. Càng đầu tư với số tiền lớn, cấp độ nhận hoa hồng càng được nới rộng, hoa hồng nhận được càng cao… 

Và với tỷ lệ phần trăm ấn tượng này, tỷ suất sinh lời trên số tiền đầu tư - có thể hiểu là ROI - Return of Investmen của nhà đầu tư có thể lên đến hơn 20%/ ngày nếu nhà đầu tư chịu chi ra số tiền lên đến 10.000 USD và mời chào thành công khách hàng “đều đặn”.

Khi ROI càng cao, khả năng thu tiền về của bạn sẽ càng lớn, thời gian hoàn vốn càng ngắn. Với mô hình kinh doanh đa cấp, chỉ số này cũng chứng minh điều này. Nhưng bản chất của đa cấp chính là lấy tiền của người cấp dưới để trả cho người cấp trên. Vậy, khi ROI càng lớn thì tiền người dưới phải trả cho người cấp trên càng nhiều. 

Khi một cái bánh có quá nhiều tầng, mỗi tầng dưới lại bị chia vụn để “đỡ” - “trả nợ” càng lớn cho tầng trên thì thời gian chiếc bánh ấy đổ sập là bao lâu? Ngắn hay dài?

Trên thực tế, có một số mô hình kinh doanh đa cấp vẫn tồn tại và phát triển, thu hút lượng lớn người tham gia. Tuy nhiên, khi đưa ra sự so sánh giữa Skyway với các trường hợp này, PV nhận được câu hỏi ngược lại từ một chuyên gia: Ngoài việc đưa ra mức hoa hồng cao một cách vô lý, bạn có thấy Skyway có một sản phẩm cụ thể nào chưa, ngoài những tờ giấy A4 ghi nhận số cổ phiếu mà bất cứ ai cũng có thể in được?... 

Với mức hoa hồng cao gấp đôi các mô hình đa cấp đã “sập” tại Việt Nam, với khả năng hoàn vốn lên đến hai con số, cổ phiếu Skyway hấp dẫn rất nhiều người khi giúp họ kiếm tiền, thậm chí giàu có hơn khi chờ đợi ngày cổ phiếu này “chào sàn”. Nhưng thời gian để quả bong bóng phát nổ từ chính công thức “kiếm tiền nhanh” này liệu có đang đếm ngược từng giây theo cấp số nhân?

Có thể bạn quan tâm