DN quan tâm tới giải pháp văn phòng linh hoạt có xu hướng gia tăng

Trao đổi với Thương Gia, ông Lars Wittig - Tổng giám đốc Regus Phillipines, Việt Nam và Campuchia nhận định, ngày càng có nhiều DN quan tâm tới các giải pháp văn phòng linh hoạt để cải thiện hiệu quả
DN quan tâm tới giải pháp văn phòng linh hoạt có xu hướng gia tăng

Văn phòng linh hoạt của Regus 

Theo ông Lars Wittig, trong 1 năm vừa qua, Regus Việt Nam đã mở rộng quy mô hoạt động từ 7 trung tâm lên thành 9 trung tâm (8 trung tâm văn phòng và 1 trung tâm hội nghị), với tổng diện tích sàn là 9,000 mét vuông. Ngoài ra, trong năm 2018, lần đầu tiên Regus Việt Nam đã cán mốc 1.000 bàn làm việc được lấp đầy, đồng nghĩa với việc hàng ngày có hơn 1.000 người tới các trung tâm Regus tại Việt Nam để làm việc.

Mỗi tháng, có tới 500 khách hàng tiềm năng liên hệ với Regus Việt Nam để tìm hiểu về các giải pháp văn phòng linh hoạt của Regus - tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.   

Có vẻ như Regus đang tăng trưởng rất tốt. Vậy khó khăn lớn nhất của ông trong việc mở rộng quy mô hoạt động là gì?

Khó khăn lớn nhất là tìm kiếm mặt bằng mới. Như các bạn đã biết, các trung tâm của Regus thường được đặt ở những vị trí đắc địa, ở trong các tòa nhà hạng sang, trong khi nguồn cung hạn chế và thường được lấp đầy rất nhanh. Chúng tôi thường phải ký hợp đồng với chủ đầu tư từ rất sớm, khi tòa nhà còn đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng Regus đã chốt được một số mặt bằng rất đắc địa ở trung tâm thành phố để mở những trung tâm mới trong tương lai gần.

Hiện tại ở Hà Ni ước tính có 40-50 trung tâm co-working và có khoảng 10 DN tham gia thị trường co-working. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thị trường co-working tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung?

Tôi thấy thị trường co-working tại Việt Nam vẫn đang phát triển dưới mức kỳ vọng so với tiềm năng thực sự. Tôi lấy ví dụ, tại các nước trong khu vực như Phillipines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Regus có từ 25-35 trung tâm mỗi nước, còn ở Việt Nam chúng tôi có chưa tới 10 trung tâm. Trong khi Việt Nam, cùng với Indonesia và Phillippines, là viết tắt của từ VIP - và được coi là điểm sáng tăng trưởng của Đông Nam Á. Tôi nghĩ không có lý do gì để Việt Nam không thể bắt kịp các nước anh em trong khu vực về số lượng trung tâm, và đây cũng là ưu tiên hàng đầu của tôi trên cương vị người phụ trách thị trường Việt Nam.

Ông Lars Wittig - Tổng giám đốc Regus Phillipines, Việt Nam và Campuchia

Có một xu hướng nữa là các nhà phát triển cao ốc văn phòng cũng đang dành diện tích cho mô hình co-working trong mỗi tòa nhà văn phòng của họ. Hiện tại mô hình co-working mới chỉ chiếm 2-3% trong tổng diện tích văn phòng cho thuê trên thế giới. Tuy nhiên đây là 1 xu hướng tất yếu, và các doanh nghiệp hàng đầu như John Lang Lasalle, Colliers, KPMG, JP Morgan, Deloitte v.v..  đều dự đoán co-working sẽ phát triển nhanh để chiếm đến 30% tổng diện tích văn phòng làm việc trong tương lai. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sẽ không thể đứng ngoài cuộc chơi.

Ông dự đoán sẽ mất bao lâu để Regus Việt Nam bắt kịp Regus Phillipines, Malaysia, Thái Lan v.v… về số lượng trung tâm?

Cách đây 6 năm, tôi bắt tay vào việc mở rộng hoạt động của Regus Phillippines.  Chúng tôi đã mất 1 năm để tăng từ 4 lên 8 trung tâm, thêm 2 năm nữa để tăng gấp đôi từ 8 lên 16 trung tâm, và sau đó cần 3 năm để tăng từ 16 lên 26 trung tâm.  Ngoài việc mở các trung tâm mới, chúng tôi cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức để tuyển dụng và xây dựng đội ngũ nhân viên. Tôi nghĩ hành trình tăng trưởng của Regus tại Việt Nam cũng sẽ tương tự như Phillippines (tức là khoảng 5-6 năm).

Regus đã hoạt động tại Việt Nam trong 20 năm qua, tuy nhiên trong 2-3 năm trở lại đây thì Regus đã liên tục mở rộng quy mô và khánh thành các trung tâm mới. Ông có thể cho biết thêm về điều này, thưa ông Lars Wittig?

Tôi nghĩ sự tăng trưởng nóng trong vài năm trở lại đây là hội tụ của các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thứ nhất, từ khoảng tháng 7/2016, Việt Nam đã có những thay đổi về mặt chính sách theo hướng cởi mở hơn, điều này cho phép chúng tôi dễ dàng mở rộng quy mô hoạt động. Thứ hai, trong vài năm gần đây, nhu cầu thị trường cũng đã tăng theo cấp số nhân. Co-working đã trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Nó đã trở thành lối sống chứ không chỉ là một cách thức làm việc. Ngoài việc giúp cho mọi người làm việc một cách linh hoạt hơn, co-working còn có khả năng kết nối các DN và xây dựng cộng đồng. Khi bạn làm việc tại một địa điểm co-working, bạn không chỉ làm việc với những đồng nghiệp trong công ty bạn, mà còn có cơ hội gặp gỡ và tương tác với nhiều người khác. Những bạn trẻ thế hệ 8x, 9x có thể giao lưu với thế hệ 6x, 7x, những DNVVN có thể tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia, các DN hoạt động trong lĩnh vực A có thể kết nối dễ dàng với các DN trong lĩnh vực B, v.v..

Phòng họp

Ngày nay, môi trường kinh doanh thay đổi rất nhanh. Sẽ rất khó để các DN biết được 2-3 năm nữa họ sẽ có bao nhiêu nhân viên, và cần bao nhiêu bàn làm việc.  DN của họ có thể sẽ sát nhập với DN khác, hoặc họ sẽ mua thêm 1 bộ phận kinh doanh nào đó, hoặc sẽ xóa sổ 1 vài bộ phận làm ăn không hiệu quả, v.v... Các doanh nghiệp cần phải thích nghi với sự thay đổi liên tục, và các giải pháp co-working sẽ giúp họ rất nhiều.

Ông nghĩ thế nào về sự canh tranh đến từ các DN co-working nội địa cũng như nước ngoài đang nhăm nhe miếng bánh co-working tại Việt Nam?

Tôi chúc họ may mắn.  Họ sẽ cạnh tranh với không chỉ một, mà là nhiều thương hiệu của chúng tôi.  Như các bạn cũng đã biết, Regus trực thuộc tập đoàn IWG vốn có 8 thương hiệu để đáp ứng nhu cầu của các phân khúc khách hàng khác nhau trên thị trường. Chúng tôi cũng đang làm việc để sớm ra mắt SPACES - một trong những thương hiệu trực thuộc IWG - tại Việt Nam. 

Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào mảng co-working tại Việt Nam?

Tôi thực sự rất mong có nhiều DNVVN của Việt Nam tham gia thị trường co-working vì chính điều này sẽ mang lại nhiều sắc màu và mở ra nhiều mô hình kinh doanh độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với các DN nước ngoài đang có ý định đầu tư vào thị trường co-working Việt Nam, lời khuyên của tôi sẽ là nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu kỹ văn hóa và lịch sử của Việt Nam để từ đó nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, vấn đề nhân sự cũng hết sức quan trọng. Các DN cần tuyển dụng những nhân sự phù hợp, có khả năng thích ứng nhanh, đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm