Chia sẻ với Thương Gia, CEO Hồ Anh Hoa, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn định cư Canada - Kownia Immigration Services INC. đã nhắc đi nhắc lại như vậy. Với chị, dù ở đâu, làm nghề gì, vợ chồng chị phải luôn dạy các con nhớ về nguồn cội. Tết Nguyên Đán hàng năm là một dịp đặc biệt để các con chị có ý thức sâu sắc nhất “mình là người Việt Nam”.
Chiều đông Bắc Mỹ, chúng tôi ngồi với nhau trong căn phòng ấm áp. Bên ngoài cửa kính, tuyết bay trắng xóa. Nhà cửa cây cối…bỗng chốc biến thành một rừng san hô trắng muốt. Nhìn những bông tuyết nhảy múa trong mắt nhau, chúng tôi cảm nhận được nỗi nhớ nhà đến tê tái của người xa xứ. Ngày cuối năm đang dần tới, Tết quê hương cũng gần kề!
Anh chị đến Canada vào thời gian nào? Cuộc sống thời gian đầu ở xứ sở lá phong có những khó khăn như thế nào và anh chị đã vượt qua nó ra sao?
Vợ chồng tôi đến Canada vào cuối 2014 đầu 2015 để theo học chương trình tiến sỹ tại Victoria, BC. Lúc mới đặt chân đến Canada, mọi thứ đều bỡ ngỡ, học bổng không cao nên phải vừa nỗ lực học vừa phải đi làm thêm. Ngoài ra lúc đó cháu đầu còn nhỏ nên chi phí học mẫu giáo cũng rất cao khiến áp lực công việc và học hành và chăm sóc con cái khá lớn đối với vợ chồng tôi.
Tuy nhiên chúng tôi đã cố gắng sắp xếp lịch học, lịch làm việc và đưa đón chăm sóc con nên mọi khó khăn cũng dần vượt qua.
Trong một khoảng thời gian chưa phải là dài, anh chị đã xây dựng được một tổ ấm gia đình đáng mơ ước và sự nghiệp vững vàng trên đất khách... Để tạo dựng được thành quả đó phải là công sức và sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai vợ chồng. Anh chị có thể chia sẻ về điều đó?
Thời điểm hai vợ chồng sắp tốt nghiệp và thi chứng chỉ hành nghề là thời điểm căng thẳng nhất của gia đình tôi. Có những tuần, lịch thi của vợ và của chồng xen kẽ nhau nên ai vừa thi xong thì sẽ chăm con để người kia thi môn tiếp theo và lần lượt như vậy, chúng tôi đã vượt qua các kỳ thi.
Lúc đó chỉ cần một người phải thi lại một môn nào đó là lịch thi và sinh hoạt trong gia đình sẽ bị đảo lộn nên lúc đó chúng tôi phải tâm niệm là không được phép trượt. Và rất may mắn là không ai bị trượt môn nào. Sau đó chúng tôi cũng có được những công việc như mong muốn.
Chồng tôi – anh Phan Công Thành được hành nghề luật sư tại hai tỉnh bang lớn của Canada là BC và Ontario, cũng như được giảng dạy luật tại các trường đại học lớn tại Canada như Osgoode Hall, Queen’s và Uvic.
Hiện nay anh ấy là luật sư của hãng luật Velletta Pedersen Christie, là giảng viên người Việt duy nhất giảng dạy tại chương trình đào tạo về Luật Di trú tại trường đại học Queens - Kingston, giảng viên tại University of Victoria và cựu giảng viên môn Luật Hiến Pháp tại Osgoode Hall Law School - York University.
Còn tôi đã thành lập Công ty tư vấn di trú tại Canada, có mạng lưới khách hàng đến từ nhiều quốc gia. Ngoài ra, tôi còn có giấy phép tuyển dụng lao động tại nhiều tỉnh bang của Canada, giúp nhiều DN tuyển dụng các lao động chất lượng cao đến Canada.
Tuy còn phải cần nhiều nỗ lực và cố gắng nhưng chúng tôi rất vui với công việc hiện tại. Vì lĩnh vực công việc của hai vợ chồng tương đồng nhau nên chúng tôi cũng hỗ trợ nhau nhiều. Cùng với sự ủng hộ và giúp đỡ của khách hàng, bạn bè và đồng nghiệp, chúng tôi ngày càng phát triển và hi vọng sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn nữa trong quá trình đến, lập nghiệp và sinh sống tại Canada.
Anh chị có thể cho bạn đọc của Thương Gia cảm nhận về những cái Tết xa nhà của gia đình mình. Những kỷ niệm nào đáng nhớ và niềm mong ước của cả nhà mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Ngày Tết âm lịch tại Canada không được nghỉ dài như Tết dương lịch nên gia đình tôi không có điều kiện đưa các cháu về Việt Nam ăn Tết. Gia đình nội, ngoại hai bên đều rất thương nhớ con cháu ở xa, rất muốn gửi bánh chưng và những thực phẩm ngày Tết sang cho con cháu để cả nhà được hưởng hương vị quê hương.
Nhưng luật của Canada rất chặt chẽ trong việc mang thực phẩm có chứa thịt vào Canada nên ông bà chỉ có thể gửi được lá dong sang. Thế là Tết năm nào gia đình tôi, dù bận đến đâu cũng đều gói bánh chưng. Vợ chồng tôi tất bật rửa lá, vo gạo, đãi đỗ… hai con cũng rất hào hứng cùng bố mẹ gói bánh và luộc bánh trên bếp điện… Không khí ngày Tết vì thế cũng ấm áp hơn.
Chúng tôi luôn mong muốn các con phải thành thục tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và hiểu về văn hóa Việt Nam vì các cháu là người Việt Nam. Trong mấy ngày Tết truyền thống, chúng tôi cho các cháu mặc áo dài dân tộc, cùng cha mẹ làm bữa cơm cúng đêm giao thừa, thắp hương tạ Trời đất, tổ tiên… theo đúng phong tục truyền thống Việt Nam. Chúng tôi cũng đưa các cháu đến nhà một vài người thân để chúc Tết.
Ngày Tết ở nơi đây cũng là khoảng thời gian lạnh nhất trong năm, tuyết thường rơi rất dày. Bên ngoài tuyết phủ trắng xóa, trong căn phòng ấm áp, niềm vui của cả nhà là xem tivi về các chương trình Tết ở quê hương, xem không khí chợ hoa chợ Tết cũng như chương trình nghệ thuật Tết để vơi đi nỗi nhớ nhà và người thân.
Nhân dịp Tết đến xuân về, gia đình chúng tôi xin gửi tới Ban Biên tập, cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Thương Gia và các độc giả cũng như bà con đồng hương lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc một năm mới nhiều may mắn và thành công.