Ma trận sở hữu chéo ngân hàng đã được xóa bỏ?

Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm 30/6/2019, Việt Nam đã cơ bản xóa xong ma trận sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Ma trận sở hữu chéo ngân hàng đã được xóa bỏ?

Cụ thể, qua giám sát của Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến 30/6, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục hết. Tình trạng này vào năm 2012 - thời điểm yêu cầu xử lý sở hữu chéo được đặt ra là 7 cặp.

Về sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp, theo báo cáo, đến tháng 6/2019 chỉ còn lại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (trong khi đó tại thời điểm tháng 6/2012 lên tới 56 cặp).

Trường hợp còn lại đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) – CTCP Bất động sản Hòa Phát - Á Châu (tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Á Châu tại CTCP Bất động sản Hòa Phát - Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%).

Để đạt được kết quả trên, thực tế quá trình xử lý và thoái vốn mất khá nhiều thời gian, một số trường hợp lỡ hẹn hoặc có yếu tố đặc thù của lịch sử để lại. Quy định liên quan đã được Ngân hàng Nhà nước ấn định lộ trình trong Thông tư 36, có hiệu lực từ tháng 2/2015 với thời hạn cho 01 năm thực hiện. Nhưng đến vài năm sau một số thành viên mới thực hiện được.

Như tại Vietcombank, tỷ lệ sở hữu trên 5% tại MB, Eximbank, rồi tại OCB phải từng bước thoái vốn mới thực hiện xong; hay VietinBank cũng từng bước thoái tại Saigonbank…

Còn lại, việc một ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần một ngân hàng thương mại khác, với tỷ lệ dưới 5%, hiện được xem như những khoản đầu tư đơn thuần và thông thường.

Theo thống đốc Lê Minh Hưng, đến nay NHNN đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án hoặc có văn bản giao hội đồng quản trị/hội đồng thành viên rà soát, hoàn thiện, chịu trách nhiệm phê duyệt phương án cơ cấu lại của hầu hết các tổ chức tín dụng.

Một số tổ chức tín dụng chưa được phê duyệt phương án chủ yếu là các tổ chức tín dụng đang rà soát, bổ sung, hoàn thiện Phương án cơ cấu lại trên cơ sở kết luận thanh tra hoặc các tổ chức tín dụng yếu kém đang xử lý theo phương án đặc thù.

Đối với các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á (DAB), trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng này xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại/phương án phục hồi. Các ngân hàng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại.

Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Đối với Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo thống đốc Lê Minh Hưng, đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 591.800tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017 ; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856.100 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.

Quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng. Đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 11,81 triệu tỷ đồng tăng 6,7% so với năm 2018 và tăng 18,8% so với cuối năm 2017.

Có thể bạn quan tâm