Nam Tân Uyên bất ngờ chia cổ tức 100% bằng tiền

Ngày 5/8 tới, CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức còn lại năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 100%.
Nam Tân Uyên bất ngờ chia cổ tức 100% bằng tiền

Với tỷ lệ này, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 10.000 đồng. Thời gian thanh toán 15/8/2019. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức mà cổ đông của Nam Tân Uyên nhận được năm 2018 là 200%.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành khu công nghiệp đang "ăn nên làm ra", việc công ty trả cổ tức cao không hề hiếm, tuy nhiên việc trả cổ tức tỷ lệ cao như Nam Tân uyên là không nhiều.

Không chỉ thường xuyên nhận cổ tức tỷ lệ cao hàng năm, cổ đông Nam Tân Uyên còn lãi lớn khi giá cổ phiếu NTC liên tục tăng mạnh. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay cổ phiếu NTC đã tăng hơn 124%, từ vùng giá 78.700 đồng/cổ phiếu lên 177.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Năm 2019, Nam Tân Uyên dự kiến cho thuê lại 20ha đất tại khu công nghiệp mở rộng giai đoạn 2 – Nam Tân Uyên 3 với giá cho thuê dự kiến 78-83 USD/m2 và phí quản lý 0,6 USD/m2/năm. Doanh thu cho thuê dự kiến trong năm 2019 là 6,24 triệu USD đến 6,64 triệu USD.

Ngoài ra, Nam Tân Uyên cũng dự kiến cho thuê 4.000 m2 nhà xưởng với giá cho thuê 2,3 – 2,5 USD/m2/tháng. Doanh thu cho thuê dự kiến hàng tháng từ 9.200 USD – 10.000 USD.

Với kế hoạch trên, Nam Tân Uyên đặt mục tiêu doanh tổng doanh thu năm 2019 đạt 303,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130,18 tỷ đồng. So với thực hiện trong năm 2018 thì kế hoạch NTC đặt ra giảm 55% về doanh thu và giảm 72% về lợi nhuận sau thuế. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2019 dự kiến cũng giảm xuống còn 50% vốn điều lệ (năm 2018 trả cổ tức 200%).

Tuy nhiên, trên thực tế Nam Tân Uyên là doanh nghiệp thường có truyền thống nhiều năm đặt kế hoạch thấp nhưng kết quả thực hiện vượt xa kế hoạch.

Trong một diễn biến liên quan, tại ĐHĐCĐ vừa được tổ chức mới đây của Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã: VRG), bên cạnh các báo cáo kinh doanh, một trong những nội dung được cổ đông quan tâm nhất là phương án xử lý sở hữu chéo tại Nam Tân Uyên.

Hiện, Tập đoàn Cao su Việt Nam đang sở hữu 66% vốn tại CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) và 22,4% vốn tại Nam Tâm Uyên. Theo đó, Tập đoàn đang vi phạm quy định khi công ty mẹ cùng góp vốn tại các công ty con.

Ngoài ra, các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp mà cả Nam Tân Uyên và Cao su Phước Hòa đều đang cùng đầu tư vào SIP, Tân Bình là vi phạm luật.

Do đó, vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm nhất chính là công ty mẹ hay Cao su Phước Hòa sẽ thực hiện bán vốn để xóa sở hữu chéo.

Trong trường hợp Cao su Phước Hòa thoái vốn thì Nam Tân Uyên sẽ thành công ty liên kết của Tập đoàn đồng nghĩa với việc không cần thoái vốn khỏi SIP, Tân Bình. Tuy nhiên trường hợp này khó có thể xảy ra do Nam Tân Uyên vừa tiếp tục dự định bầu thêm 2 thành viên đại diện vốn từ Cao su Phước Hòa vào HĐQT và BKS.

Còn trong trường hợp Tập đoàn mẹ thoái vốn thì Nam Tân Uyên sẽ thành công ty liên kết với Cao su Phước Hòa, Tập đoàn sẽ gián tiếp hưởng lợi thông qua Cao su Phước Hòa. Nam Tân Uyên vẫn có tiền năng với ba khu công nghiệp Nam tân Uyên 1,2,3.

Do đó, việc trả cổ tức cao của Nam Tân Uyên không ngoại trừ khả năng là do yêu cầu từ phía Tập đoàn mẹ nhằm thu tiền mặt.

 >> Quyết định đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN Nam Tân Uyên mở rộng

Có thể bạn quan tâm