Ngân hàng ứng phó mùa dịch: Khả năng chống chịu không đồng đều

Theo MBS, dù hệ thống ngân hàng đang được đánh giá là đã kiên cường hơn trong việc chống chọi với những cơn hoảng loạn nhưng khả năng chống chịu vẫn chưa đồng đều.
Ngân hàng ứng phó mùa dịch: Khả năng chống chịu không đồng đều

Cũng theo MBS, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và các ngân hàng Việt Nam. Tuy sức đề kháng của hệ thống ngân hàng nước ta hiện nay đã cao hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng vẫn có những ngân hàng phải đối mặt với khó khăn dẫn đến sự phân hoá trong hoạt động của hệ thống.

Theo nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu, vì ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh nên khi doanh nghiệp có sự phân hoá lớn sau đại dịch thì ngân hàng cũng vậy. 

Theo đó, ngân hàng nào có được thị phần khách hàng tốt sẽ vẫn duy trì được vị thế, còn nếu khách hàng bị suy yếu thì ngân hàng cũng không tránh khỏi những tác động. Do vậy, ông Hiếu cho rằng sẽ có sự phân hoá trong hệ thống ngân hàng trong thời gian tới và muốn duy trì được vị thế, buộc các ngân hàng phải tăng vốn để tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh.

Có một thực tế hiện nay nhóm ngân hàng lớn “Big 4” gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank vốn luôn có lợi thế nhất định trong cuộc đua tranh thị phần, thì nay một vài thành viên trong số này đang đối mặt với việc thu hẹp thị phần vì chưa tăng được vốn.

Tất nhiên, khi thị phần của các ông lớn thu hẹp lại là cơ hội cho các ngân hàng thương mại cổ phần cạnh tranh mở rộng thị phần. Hiện, đã có một số ngân hàng thương mại không có vốn Nhà nước đã đạt quy mô vốn điều lệ xấp xỉ hoặc thậm chí vượt cả các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế thì việc chiếm lĩnh thị phần là không hề dễ dàng bởi nó còn phụ thuộc vào uy tín thương hiệu và năng lực quản trị. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay, việc mở rộng thị phần càng thêm khó, thậm chí nó còn khiến các nhà băng trở nên thận trọng hơn.

Tổng giám đốc một NHTMCP cho hay, cái khó nhất của ngân hàng không chỉ là ngăn ngừa tiêu cực, gian lận trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ của ngân hàng dành cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 mà phải có giải pháp đúng và trúng trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm