Tây Ninh: Dân khiếu kiện vì “đất vàng” bị thu hồi và đền bù không thoả đáng

Đã nhiều năm qua, ông Thắng vẫn miệt mài “ôm” đơn đi “gõ cửa” cơ quan chức năng về việc đất ở của gia đình ông bị thu hồi để thực hiện dự án đường Trần Hưng Đạo và đường 30/4 nhưng đền bù không thoả đáng.
Tây Ninh: Dân khiếu kiện vì “đất vàng” bị thu hồi và đền bù không thoả đáng

Theo đơn phản ánh của ông Lưu Văn Thắng trú tại P.1, TP.Tây Ninh, gia đình ông có 3.400m2 đất trong đó có gần 3000m2 đất thổ cư và khu đất này nằm trong diện bị thu hồi để thực hiện dự án nâng cấp mở rộng đường Trần Hưng Đạo, đường 30/4 của TP.Tây Ninh.

Tuy nhiên, phần đất bị thu hồi không được chính quyền địa phương thực hiện việc đền bù theo quy định, giá đất đền bù được cho là chênh lệch lớn so với giá đất trên thị trường vào thới điểm đó. Sự việc trên đã dẫn đến tình trạng khiến nại của người dân kéo dài trong nhiều năm qua không được giải quyết.

Cụ thể, tháng 9/1992, bà Nguyễn Thị Thân (SN 1914, Mẹ Việt Nam Anh hùng) mua khoảng 3.000m2 đất và nhà tại thửa đất số 140, 141 ở P.1, TP.Tây Ninh của bà Võ Thị Dư, có hai mặt tiền là đường Trần Hưng Đạo và đường 30/4. Việc mua bán này được UBND P.1, Tx.Tây Ninh (nay là TP.Tây Ninh) chứng thực việc sang nhượng. Trong phần xác nhận, UBND P.1 đã ghi rõ đây là đất thổ cư.

Khu đất được thu hồi để thực hiện dự án của gia đình ông Thắng
Khu đất được thu hồi để thực hiện dự án của gia đình ông Thắng

Ngày 4/5/2001, thay mặt gia đình, ông Lưu Văn Thắng (con trai bà Thân) xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất ở đô thị) và được UBND P.1, TP.Tây Ninh xác nhận gia đình ông Thắng sử dụng ổn định lâu dài từ tháng 9/1992 và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đất thổ cư diện tích 2.981m2. 

Theo hồ sơ gia đình ông Thắng cung cấp, trong các thông báo nộp thuế đã ghi rõ nội dung là thu thuế nhà đất, còn phần thuế đất nông nghiệp thì bỏ trống. Việc kê khai nộp thuế nhà đất của gia đình ông Thắng cũng được đội thuế, P.1, TP.Tây Ninh xác nhận.

Năm 2001, UBND tỉnh Tây Ninh tiến hành nâng cấp, mở rộng đường Trần Hưng Đạo và đường 30/4 giáp với mảnh đất trên của gia đình bà Thân. Dự án này thu hồi 829m2 đất (340m2 ở đường Trần Hưng Đạo và hơn 480m2 ở đường 30/4) của gia đình ông Thắng, bà Thân.

Điều đáng nói là trong các quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh đều xác định số đất này được bồi thường theo giá đất thổ cư và nguyên tắc là ưu tiên cho người dân nhận ở mặt tiền đường lớn, nếu đất có hai mặt tiền.

Tuy nhiên, khi tiến hành bồi thường, giải tỏa, UBND TP.Tây Ninh lại đưa toàn bộ số đất đó của gia đình ông Thắng bồi thường theo giá đất trên đường Trần Hưng Đạo, trong khi giá đất phía đường 30/4 có mức giá bồi thường cao gấp hơn 2 lần so với đường Trần Hưng Đạo, khiến gia đình ông Thắng bức xúc, khiếu nại kéo dài.

Chưa dừng lại ở đó, đến năm 2017, để tiếp tục thực hiện UBND TP.Tây Ninh ban hành hai quyết định, thu hồi toàn bộ đất của gia đình ông Thắng với tổng cộng hơn 2.000m2. Các cơ quan chức năng xác định toàn bộ số đất này là đất trồng cây lâu năm, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến ngày 29/10/2018, UBND TP.Tây Ninh có Quyết định số 193 về việc bồi thường, hỗ trợ đối với ông Lưu Văn Thắng số tiền hơn 12,2 tỉ đồng.

Ông Thắng cho rằng, giá đền bù khu đất bị thu hồi của giá đình ông để thực hiện dự án là chưa hợp lý
Ông Thắng cho rằng, giá đền bù khu đất bị thu hồi của giá đình ông để thực hiện dự án là chưa hợp lý

Tuy nhiên, gia đình ông Thắng sau đó không chấp nhận việc thu hồi đất vì cho rằng diện tích đất và loại đất mà UBND TP.Tây Ninh nêu ra trong các quyết định thu hồi là không đúng, cũng như giá bồi thường chưa phù hợp với giá đất thị trường. Bởi theo lý giải của ông Thắng giá đất gia đình ông được một công ty thẩm định giá đất thẩm định với mức giá 50 triệu đồng/m2 tại thời điểm đó, cho nên gia đình ông đã ngày ngày “ôm” hồ sơ đi “gõ cửa” cơ quan chức năng để đòi quyền lợi.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lâm Hiền Phước, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, về nguyên tắc, pháp luật đất đai xuyên suốt qua các thời kỳ đều quy định rõ khi nhà nước thu hồi đất của người sử dụng đất mà người bị thu hồi đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định thì được bồi thường.

Ngoài ra theo Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 thì: “Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15-10-1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15-10-1993” thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

“Trong vụ việc cụ thể theo đơn phản ánh của gia đình ông Lưu Văn Thắng, ông mua đất năm 1992 đã được UBND P.1, Tx.Tây Ninh thời điểm đó xác nhận là đất ở thì mặc nhiên được pháp luật công nhận. Do đó việc cơ quan nhà nước thu hồi đất của gia đình ông Thắng (khi gia đình ông Thắng có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận QSDD) mà không bồi thường hoặc bồi thường không đúng giá là không có căn cứ pháp luật”, luật sư Phước nhấn mạnh.

“Bên cạnh đó, Luật đất đai 2013 cũng quy định việc bồi thường phải theo giá đất của loại đất thu hồi (Điều 74). Gia đình ông Thắng đã được chính quyền địa phương xác nhận là đất ở, đã nộp thuế nhà đất (thổ cư) đối với thửa đất do đó nhà nước thu hồi đất phải bồi thường theo giá đất ở. Hơn nữa, theo Điều 74, Điều 114 Luật Đất đai 2013; Điều 15 Nghị định 44/2014/NĐ-CP cũng quy định về việc xác định giá đất cụ thể để đền bù cho người có đất bị thu hồi phải căn cứ vào giá đất thị trường và phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”, luật sư Phước cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm