Thanh niên khởi nghiệp làm sao để không thất bại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, truyền cảm hứng và tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên tại Lễ phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021 diễn ra ngày
Thanh niên khởi nghiệp làm sao để không thất bại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú đã nhắn nhủ với các thanh niên: Nếu chỉ có tinh thần “dám thất bại” thôi thì không đủ, mà mấu chốt cần phải biết làm sao để “không thất bại”, và nếu có thất bại thì cũng không nản lòng.

Trong 9 tháng vừa qua, kinh tế xã hội nước ta cơ bản là tốt, niềm tin xã hội bước đầu thấm vào nhân dân, lần đầu tiên trong 9 tháng Việt Nam có 91.000 doanh nghiệp được thành lập, cuối năm nay sẽ có trên 600.000 doanh nghiệp. Mục tiêu của đất nước phải trên 1 triệu doanh nghiệp trước năm 2020.

“Thanh niên là lực lượng xung kích, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lực lượng thanh niên, luôn đặt thanh niên vị trí trung tâm tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người, coi việc chăm lo phát triển thanh niên là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước"- Thủ tướng nhấn mạnh, chia sẻ mong muốn của ông là "phải làm sao để con cháu chúng ta, con em công nhân, nông dân, người nghèo, phải trở thành những người lãnh đạo trong tương lai. Với tôi, không có gì ý nghĩa hơn việc được nói chuyện thẳng thắn với sinh viên, mở ra cho các bạn cơ hội để phát huy khả năng của mình, bởi các bạn là tiềm năng, chủ nhân tương lai của đất nước, quyết định tương lai Việt Nam”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam từng làm thế giới ngưỡng mộ trong việc tổng động viên thanh niên trong chiến tranh, bây giờ chúng ta cũng hoàn toàn có cơ hội để vận động sức mạnh thanh niên trong việc khởi nghiệp. Ông đặc biệt quan tâm đến khởi nghiệp ở nông thôn.

Khởi nghiệp càng nhiều càng minh chứng cho nền kinh tế năng động, chưa bao giờ khởi nghiệp có sự thuận lợi như bây giờ. Do đó, Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ cho các bộ trưởng, thứ trưởng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, giám đốc các tập đoàn… phải hỗ trợ thanh niên trong việc khởi nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn: các bạn sẽ khởi nghiệp một cách bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng, với cả nhiệt huyết và sự thông thái
Chia sẻ với hàng nghìn sinh viên tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh: khởi nghiệp kinh doanh là việc mà những người sáng tạo, ham học hỏi và đầy khát vọng chọn để làm. Khởi nghiệp không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao. Những doanh nhân thành đạt nhất của Việt Nam hay thế giới đều coi lợi nhuận là công cụ để thực hiện ý tưởng của mình, chứ không phải mục đích hay thước đo của sự thành công.
Khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật để làm sao tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên vô bờ của thanh niên Việt Nam. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần có ở những người trẻ tuổi, ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt thì vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những công ty mới, những của cải mới cho xã hội.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và môi trường kinh doanh rộng mở, có nhiều thuận lợi, Thủ tướng lưu ý "tuy thuận lợi như vậy, nhưng không có nghĩa là khởi nghiệp chỉ cần dựa trên ý tưởng hay, hoặc công nghệ mới lạ là có thể thành công. Ngay cả ở Mỹ, 90% công ty khởi nghiệp thất bại, chỉ 10% sẽ thành công. Cũng như việc gieo hạt giống cho mọc thành cây thì dễ, nhưng cái khó là làm sao nó sống lâu trở thành một cây đại thụ".
Với các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, đây chính là quãng thời gian quan trọng nhất để suy nghĩ, lên ý tưởng và thử nghiệm. Đây là giai đoạn tốt nhất để chuẩn bị cho mình đầy đủ nhất về kiến thức và kỹ năng, cũng như bản lĩnh và tinh thần để khởi nghiệp.  Thủ tướng khuyến khích sinh viên hãy tham gia vào cộng đồng nhiều hơn để hiểu hơn về xã hội như từ thiện, đi thực tập ở doanh nghiệp... để không bị bỡ ngỡ khi tốt nghiệp, tự chuẩn bị hành trang cho mỗi bước khởi nghiệp vững vàng hơn.
Với thanh niên nông thôn, tinh thần khởi nghiệp lại càng quan trọng, Chính phủ mong mỏi cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch nhanh và hiệu quả, ngày càng có nhiều doanh nghiệp khu vực này, muốn vậy phải quan tâm đầu tư hỗ trợ cho các chương trình khởi nghiệp, các mô hình sản xuất mới hiệu quả ở nông thôn.
"Khởi nghiệp sẽ đòi hỏi các bạn phải dấn thân. Nhưng cũng đừng dấn thân một mình. Hãy tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp, những người đang làm như ta, qua đó ta vừa có dịp trau dồi thêm, vừa có thể được nhận sự hỗ trợ và các cơ hội hợp tác. Cần chung tay xây dựng nhiều hơn nữa những “vườn ươm” khởi nghiệp với sự hợp tác từ các bạn"- Thủ tướng chia sẻ. Để khích lệ tinh thần khởi nghiệp, Thủ tướng dẫn lại câu chuyện của CEO Mark Zuckerberg, chành thanh niên sáp lập mạng xã hội Facebook từ khi mới 23 tuổi, và giờ đã trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới với tài sản ròng 1,5 tỷ đô la Mỹ. Thủ tướng cũng ấn tượng với câu nói của Mark "Rủi ro lớn nhất là không dám chấp nhận rủi ro. Trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh chóng, nếu bạn không dám chấp nhận rủi ro thì chắc chắn sẽ thất bại".
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân mạnh: "nếu chỉ có tinh thần “dám thất bại” thôi thì không đủ, mà mấu chốt cần phải biết làm sao để “không thất bại”, và nếu có thất bại thì cũng không nản lòng. Tôi mong rằng, các bạn sẽ khởi nghiệp một cách bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng, với cả nhiệt huyết và sự thông thái". Với mong muốn thanh niên Việt Nam coi khởi nghiệp không chỉ là một con đường kiếm tiền, mà là một triết lý sống, Thủ tướng kỳ vọng, mỗi bạn trẻ có ước mơ lớn, sự chuẩn bị khôn ngoan, lòng quyết tâm, tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đảng và Nhà nước đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ tài năng.

Hải Hà (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm