Vietcombank thoái vốn tại công ty bảo hiểm nhân thọ

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) vừa có Nghị quyết phê duyệt phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI).
Vietcombank thoái vốn tại công ty bảo hiểm nhân thọ

Trước đó, theo nguồn tin của Bloomberg, Tập đoàn FWD của tỷ phú Richard Li sẽ ký thỏa thuận thanh toán khoảng 400 triệu USD cho Vietcombank về việc phân phối bảo hiểm dài hạn với ngân hàng. Một phần của thỏa thuận trên là FWD sẽ mua lại công ty con mang tên Vietcombank Cardif Life Insurance, thuộc sở hữu của Vietcombank và BNP Paribas.

Theo BCTC của Vietcombank, ngân hàng đang nắm giữ 45% vốn cổ phần tại VCLI, 55% còn lại thuộc sở hữu của BNP Paribas Cardif. Giá gốc khoản đầu tư của Vietcombank tại công ty bảo hiểm này là 270 tỷ đồng, giá trị ghi sổ là 276 tỷ đồng. 

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT cho biết, Vietcombank đã cơ bản hoàn tất lựa chọn đối tác có năng lực, đây sẽ là Hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm có giá trị lớn nhất từ trước đến nay tại thị trường Việt Nam.

Ban lãnh đạo Vietcombank xác định thời điểm hiện tại là thời cơ để Vietcombank hợp tác với các đối tác bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ với mục tiêu đứng đầu về thị phần bancassurance đến năm 2025.

So với những công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường, hoạt động của Vietcombank Cardif có phần mờ nhạt. Theo báo cáo tài chính gần nhất năm 2017 của VCLI, công ty này có tổng tài sản hơn 950 tỷ đồng, nhưng ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 3 tỷ đồng tính tới cuối năm. Riêng năm 2017, VCLI ghi nhận gần 325 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ ròng hơn 3,3 tỷ đồng. Ba năm từ 2015 đến 2017, công ty bảo hiểm nhân thọ của Vietcombank và BNP Paribas đều báo lỗ.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, trong nửa đầu năm 2019, doanh thu của kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng (bancassurance) ước đạt 8.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,2% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 17.613 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của quý III tăng 72% đạt 6.309 tỷ đồng.

Kết quả trên có được nhờ các mảng kinh doanh chính tăng trưởng mạnh, đồng thời chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ, chi phí dự phòng giảm so với cùng kỳ.

Tính đến cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của Vietcombank tăng 7,8% so với hồi đầu năm lên hơn 1,15 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,1% đạt 708.096 tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 12,5% đạt 902.184 tỷ đồng.

Vietcombank là ngân hàng mua vào khá nhiều trái phiếu của các nhà băng khác trong 9 tháng đầu năm. Số dư chứng khoán nợ do các TCTD khác phát hành mà Vietcombank đang nắm giữ cuối tháng 9 lên tới 55.509 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Trong đó, chứng khoán nợ giữ đến ngày đáo hạn là 36.406 tỷ đồng. 

Nợ xấu của Vietcombank tại ngày 30/9 là 7.625 tỷ đồng, tăng 491 tỷ so với cuối tháng 6 và đã tăng 1.402 tỷ (tương đương tăng 22,5%) so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của Vietcombank tăng hơn 4 lần so với thời điểm đầu năm lên 1.240 tỷ. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 31,4% lên 1.525 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn chỉ tăng nhẹ 1,9% lên 4.860 tỷ. 

Chỉ tính riêng trong quý III, mặc dù nợ dưới tiêu chuẩn đã có chuyển biến tích cực, giảm so với cuối tháng 6; nợ nhóm 4 lại tăng hơn 2 lần lên 1.525 tỷ.  Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng từ mức dưới 1% hồi đầu năm lên 1,07% cuối tháng 9/2019.

Có thể bạn quan tâm