Đầu tư FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong 7 tháng đầu năm. Tuy nhiên, sau sự cố Formosa, vấn đề đầu tư FDI vào Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức mới trong giai đoạn mới. Để làm rõ những thách thức, khó khăn đặt ra trong thu hút, quản lý FDI, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài.
Xin ông cho biết, trong thu hút FDI ở Việt Nam đang có những lợi thế và thách thức nào?
TS. Phan Hữu Thắng: Trước tiên chúng ta phải thấy được những cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta đang dần có hiệu quả. Quyết tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cũng là một trong những nguyên nhân tiên quyết ảnh hưởng tốt tới đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua. Bằng chứng là FDI 7 tháng đầu năm vào Việt Nam tăng trưởng tốt. Đặc biệt trong tháng 7.
Tuy nhiên, đó là nhìn toàn cảnh. 2016 là thời điểm bắt đầu một giai đoạn mới, nhưng cũng lại là thời điểm phát sinh nhiều vấn đề mới. Đặc biệt sau sự cố Formosa, chúng ta phải đặt lại câu hỏi mục tiêu thu hút FDI của chúng ta là gì và đang yếu ở những khâu nào?
Vậy, thưa ông, quy trình để một dự án FDI vào Việt Nam gồm những khâu nào?
Chu trình dòng vốn FDI có thể phân ra những khâu sau: Trước tiên là khâu xúc tiến đầu tư (mời gọi, kêu gọi) nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi có được một số nhà đầu tư, chúng ta sẽ thẩm định đánh giá dự án xem có phù hợp với tiêu chí cụ thể của ta không. Sau đó là cấp phép cho dự án. Sau cấp phép là khâu quản lý dự án sau cấp phép.
Cuối cùng là gia hạn hoặc chấm dứt hoạt động của dự án. Đặc thù của thu hút FDI là đa ngành, đa lĩnh vực, nên tiêu chuẩn của mỗi dự án thường sẽ không giống nhau. Với mỗi dự án sẽ có những tiêu chuẩn riêng. Tiêu chuẩn sẽ nằm trong pháp luật hiện hành, tại luật đầu tư, luật đất đai, luật tài nguyên môi trường, luật kinh doanh bất động sản, các nghị định hướng dẫn,… Đó là lý do tại sao mà một dự án FDI có thể phải trình 11 bộ hồ sơ là như vậy!
Nhìn lại 29 năm thu hút FDI chúng ta đang “mắc” phải những vấn đề gì, thưa ông?
Sự cố Formosa có thể không ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng nó bắt chúng ta phải nhìn lại tất cả các khâu từ xúc tiến đầu tư tới quản lý dự án FDI. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, có công nghệ cao, có thị trường và nghiêm túc trong thực thi luật pháp quốc tế. Qua Formosa chúng ta có thể đặt câu hỏi: có phải chúng ta chưa tìm đúng đối tác? Đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí? Họ có vốn thật, nhưng liệu đã là nhà đầu tư tốt nhất chưa? Bất cập của ta là đội ngũ xúc tiến đầu tư chưa đủ mạnh, chưa có sự liên kết, cũng như kỹ năng.
Ta thường hoặc là đợi nhà đầu tư đến, hoặc có đi thì cũng chỉ tập trung Nhật Bản, Trung Quốc. Nhà đầu tư Nhật Bản phản ánh, có những lúc họ phải tham gia 3, 4 hội thảo về cùng một vấn đề thu hút đầu tư của mấy tỉnh khác nhau của Việt Nam ở cùng một địa điểm trong cùng một ngày. Quả thực chúng ta đang rất bị động, rất yếu trong công tác xúc tiến đầu tư. Hiện nay là nhà đầu tư tìm tới ta là chính chứ chúng ta đâu có tìm được nhà đầu tư. Như vậy thì làm sao lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất? Đó có thể là lý do tại sao mà có những dự án trước đây thì tự hào là “thành công” nay lại trở thành “thảm họa”.
Vậy, thưa ông, chúng ta phải làm gì trong thu hút, quản lý FDI để không biến “thành công” thành “thảm họa”?
Đầu tư nước ngoài của chúng ta đang quá tải. Hiện đang có 100 tỷ USD vốn FDI chưa thực hiện, dự án lớn thì chậm tiến độ. Đây không còn là thời điểm chúng ta bằng mọi cách để thu hút FDI nữa, mà cần có một cuộc tổng rà soát lại những dự án đã và đang vào Việt Nam. Chúng ta cần tìm ra xem 100 tỷ USD chưa thực hiện kia đang nằm ở dự án nào, tại sao vẫn chưa được triển khai. Thiết nghĩ, tạo điều kiện cho các dự án triển khai tốt cũng là một khâu rất quan trọng trong thu hút FDI. Chúng ta cần có sự bài bản hơn trong thu hút, quản lý FDI.
Có lẽ phải bỏ tư duy cứ thấy dự án quy mô lớn là “ào ào” cho vào, mà không tính tới năng lực tiếp nhận ra làm sao. Cụ thể như tiếp cận những dự án lớn với quy mô 9, 10 tỷ USD, thì phải tính xem điện, nước, nhân công có bảo đảm được không hay lại để hàng nghìn lao động nước ngoài vào? Các cơ sở hậu cần như cảng biển, hạ tầng có bảo đảm quản lý được không? Chúng ta cũng nên xem lại về phương thức đầu tư. Liệu có nên tiếp tục để hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài ở nhiều dự án lớn như hiện nay?
Nếu cứ 100% nước ngoài thì làm sao chúng ta tiếp nhận công nghệ, làm sao để quản lý. Ví dụ một khách sạn 100% vốn nước ngoài, họ tăng giá cao, họ thực hiện những dịch vụ không biết được, trong khi đó họ vẫn báo lỗ. Bởi với những dự án này chúng ta không vào kiểm tra được. Mà để họ tự hạch toán thì có khi muôn đời lỗ. Theo tôi nắm được thì hiện nay có khoảng 500 dự án có tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Có lẽ chúng ta cần có “chân trong” trong các dự án như thế này, đặc biệt với các dự án có cảng biển, liên quan tới an ninh quốc phòng. Đã đến lúc nền kinh tế nước ta có thể làm được việc liên doanh, liên kết này rồi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Thoan/Bizlive