21 triệu cổ phiếu Eximbank được sang tay sau ngày họp cổ đông

21 triệu cổ phiếu EIB vừa được sang tay trong ngày hôm nay 16/2 tại giá sàn, trị giá khoảng 728 tỷ đồng - một ngày sau đại hộ cổ đông thường niên của Eximbank và ngay trước khi công bố chủ tịch.
21 triệu cổ phiếu Eximbank được sang tay sau ngày họp cổ đông

Trong phiên ATC hôm 16/2, gần 21 triệu cổ phiếu EIB cổ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được trao tay thỏa thuận với mức giá sàn 34.640 đồng/cp. Tổng giá trị giao dịch là hơn 726 tỷ đồng.

Lượng cổ phiếu này tương đương với xấp xỉ 1,7% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng.

Giao dịch thỏa thuận đột biến của cổ phiếu này xảy ra ngay một ngày sau khi Eximbank tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 lần 2 sau nhiều lần bất thành.

Diễn biến cổ phiếu EIB trong ngày 16/2.
Diễn biến cổ phiếu EIB trong ngày 16/2.

Đại hội đã chính thức bầu ra hội đồng quản trị mới với 7 thành viên bao gồm bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Võ Quang Hiển, ông Nguyễn Hiếu, bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, bà Đỗ Hà Phương, ông Nguyễn Thanh Hùng.

Cùng với đó, đại hội cũng đã bầu ra 3 thành viên ban kiểm soát gồm ông Ngo Tony, bà Phạm Thị Mai Phương và ông Trịnh Bảo Quốc. 

Ngoài vấn đề trên, đại hội chỉ thông qua thêm một số tờ trình gồm việc ủy quyền cho HĐQT cập nhật, bổ sung Quy chế tài chính của Eximbank; Tờ trình sửa đổi, bổ sung nội dung khác của Điều lệ; Tờ trình về việc ban hành mới quy chế quản trị nội bộ, quy chế tổ chức và hoạt động HĐQT và Tờ trình ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Ban Kiểm soát.

Mặt khác, 25 tờ trình khác không được thông qua do tỷ lệ tán thành dưới 50%, bao gồm các nội dung liên quan đến báo cáo hoạt động của Ban điều hành, HĐQT, Ban Kiểm soát; phân phối lợi nhuận; kinh phí hoạt động và thù lao;…

Kết phiên 16/2, giá cổ phiếu EIB giảm mạnh nhất toàn ngành (-3,9%), xuống còn 35.800 đồng/cp. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu này đã tăng 6,2%.

Hiện tại, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng với tỷ lệ sở hữu 15%.

Trong ban lãnh đạo của ngân hàng, bà Lương Thị Cẩm Tú là người sở hữu nhiều cổ phần nhất với gần 13,8 triệu đơn vị.Cơ cấu cổ đông ngân hàng còn có hai nhóm cổ đông từng đòi miên nhiệm các thành viên HĐQT gồm nhóm CTCP Rồng Ngọc, CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios, CTCP Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân (sở hữu 10,3%); nhóm ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Công Cận, Lafelle Limited và Education Management Holdings Limited (sở hữu 11,2%).

Ngoài ra, Vietcombank và Quỹ VOF cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại ngân hàng. 

Có thể bạn quan tâm