6 tháng nữa, TP. HCM sẽ hoàn thành 20 dự án chống ngập?

Sở Xây dựng thành phố vừa gửi văn bản UBND TP.HCM về việc xem xét, thông qua kế hoạch thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM năm 2021.

Theo dự thảo, Sở Xây dựng đề ra đề ra chỉ tiêu trong năm nay sẽ triển khai, hoàn thành 10 dự án giảm điểm ngập do mưa và 10 dự án giảm ngập do triều cường.

Các dự án giảm điểm ngập do mưa, bao gồm: Hoàn thành 2 dự án giải quyết dứt điểm 3 điểm ngập trên đường Tân Quý, quận Tân Phú; đường Trương Công Định và đường Ba Vân, quận Tân Bình; đồng thời hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công gói thầu xây lắp 06, tức Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2.

Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 7 công trình, giải quyết 9 điểm ngập ở các đường như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối thuộc quận Gò Vấp; đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân ở Thủ Đức; đường Bạch Đằng ở quận Tân Bình; đoạn quốc lộ 1 qua TP.HCM (quen gọi là xa lộ Đại Hàn).

Các dự án giảm điểm ngập do triều cường trong năm 2021, cơ quan quản lý sẽ theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, tức dự án 10.000 tỷ đồng, do Trungnam Group làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ giải quyết tình trạng ngập của bốn tuyến đường gồm Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, quốc lộ 50.

Theo kế hoạch, trong năm nay Thành phố cũng hoàn thành dự án bờ tả sông Sài Gòn để ngăn triều cường. Cùng với đó là xây dựng hàng loạt nhà máy xử lý nước thải (nằm trong kế hoạch giảm ngập do triều) như khởi công xây dựng các hạng mục công trình chính của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2, triển khai thủ tục mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải,...

Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết, đã rà soát danh mục 178 dự án thuộc lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2021 - 2025 đồng thời đề xuất 88/178 dự án cần thực hiện các công việc chuẩn bị để đề xuất chủ trương đầu tư công trong năm 2021.

Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, trực thuộc Sở Xây dựng TP.HCM Vũ Văn Điệp cho biết, có những phần kế hoạch Thành phố có thể làm ngay trong năm 2021, song cũng có những dự án triển khai trong thời gian lâu hơn. Giai đoạn hiện nay cần phải cố gắng giữ được kết quả chống ngập đã đạt được trong thời gian qua. Như điểm nào đã giảm, xóa ngập thì không để tái ngập lại, cũng như giảm dần từng điểm ngập như trong danh mục kế hoạch đề ra.

Các giải pháp cấp bách cũng được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố đề ra, như lắp đặt bơm ứng cứu, đấu nối mở hướng thoát nước tại các vị trí ngập nước, thay nắp hầm ga bằng sắt, mở rộng miệng thu nước để tăng cường thu nước... Ngoài ra, chủ đầu tư các dự án chống ngập cũng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào vận hành, sớm phát huy hiệu quả của các dự án chống ngập.

Như vậy, chỉ còn gần 6 tháng nữa. Tp.HCM sẽ phải tiến hành hoàn thiện các dự án đã triển khai trước đó cũng như các dự án đã triển khai kể từ đầu năm 2021. Đây vốn dĩ là một nỗ lực rất đáng hoan nghênh để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ hiện nay ở nhiều quận tai TP. HCM. Tuy nhiên, mục tiêu này tạo nên nhiều hoài nghi vì dự án chống ngập 1.000 tỷ đồng được nêu trong dự thảo - một trong những dự án cần được giải quyết ngay cũng đã "bế tắc" nhiều năm nay. 

Ngay từ đầu năm 2019, dự án này được TP. HCM công bố chính thức "tái khởi động" nhưng đến nay, sau 2 năm 6 tháng, dự án vẫn chưa được hoàn thành. Đây hoàn toàn có thể là một ví dụ điển hình để dẫn đến sự hoài nghi trên. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...