Trong tình huống giao tranh ác liệt trên địa phận tỉnh Kandahar, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra lệnh sơ tán lãnh sự quán Ấn Độ khỏi thành phố Kandahar.
Cùng ngày, Taliban tiến hành vụ đánh bom khủng bố ở làng Ghara Kly thuộc quận Daman tỉnh Kandahar, hai thường dân thiệt mạng và ba người khác bị thương. Bộ Quốc phòng Afghanistan tuyên bố, 69 tay súng Taliban thiệt mạng trong các cuộc giao chiến ở khu vực Dand. Truyền thông Taliban gọi thông báo này là "phi thực tế".
Theo Bộ Quốc phòng Afghanistan, 271 tay súng Taliban thiệt mạng, 162 tay súng khác bị thương trong các trận chiến với Quân đội Afghanistan tại Nangarhar, Maidan Wardak, Khost, Kandahar, Farah, Herat, Badghis, Sar-e Pol, Jowzjan, Nimruz, Helmand, các tỉnh Badakhshan, Kunduz, Takhar và Kapisa trong 24 giờ qua.
Taliban phá hủy trực thăng Black Hawk trong căn cứ sân bay Kunhuz.
Sân bay quốc tế Kabul là nơi đóng quân và căn cứ cuối cùng của quân đội nước ngoài ở Afghanistan. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hiện diện để kiểm soát và đảm bảo an ninh cho sân bay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cho các cơ quan ngoại giao.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, sân bay này đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong sáu năm qua, chủ đề chính các cuộc đàm phán Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây về Afghanistan là việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hiện diện tại sân bay Kabul.
Washington thừa nhận ý nghĩa quan trọng của sân bay Kabul trong việc duy trì hoạt động của các đại sứ quán nước ngoài, trong đó có đại sứ quán Mỹ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được triển khai bảo vệ các tuyến đường và khu vực xung quanh sân bay.
Thông tin chi tiết về số lượng quân Thổ Nhĩ Kỳ chưa được tiết lộ, một số quan chức Mỹ cho biết, các quan chức Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu khoảng 600 đến 1.000 quân đóng tại sân bay Kabul. Các điều khoản của thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Afghanistan sẽ được thực hiện trong những tuần tới.
Chính phủ Afghanistan hoan nghênh việc triển khai thêm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay Kabul, nhưng Taliban gọi sự hiện diện của quân đội nước ngoài, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ là xâm lược và không thể chấp nhận được.
Sân bay Kabul là một căn cứ không quân hiện đại, có khả năng chứa hơn 100 máy bay, một tổ hợp lớn căn cứ quân sự và tình báo của Mỹ và NATO. Sân bay do Liên Xô xây dựng vào năm 1960, quân đội Mỹ đã tăng cường và mở rộng trong hai mươi năm qua với sự tài trợ của Nhật Bản và các quốc gia NATO.
Sân bay Kabul là căn cứ quân sự cuối cùng của quân đội nước ngoài ở Afghanistan. Trong việc tăng cường binh lực của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận chính trị chung chính quyền Kabul và Taliban nhằm có được quyền khống chế quốc gia này, loại bỏ những ảnh hưởng của Mỹ và NATO và củng cố vững chắc lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở quốc gia Hồi giáo này.