“Chúng tôi mặc ấm cho cây khi mùa đông sắp về…” Thật ngạc nhiên với lời giải thích của anh Park Ri – Won giám đốc nhà lưu niệm Dongin - Mokwol, người đón đoàn.
Nhưng, với GyeongJu, chúng tôi còn gặp nhiều điều ngạc nhiên hơn nữa.
Di tích về triều đại dài nhất châu Á
Gyeong ju sở hữu nhiều bảo vật của Hàn Quốc. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều đồi đất xanh mát cỏ rải rác trong thành phố. Anh Park Ri-Won cho biết – cố đô có tới 155 ngôi mộ các vị vua, đặc biệt trong đó có một ngôi mộ độc nhất vô nhị được đặt dưới biển sâu!
Chúng tôi tận hưởng mùa thu xứ Hàn trong khu lăng mộ chỉ có cỏ và những tán cây xanh đẹp như khu rừng cổ tích. Xa xa là cánh đồng lúa vàng rực dưới nắng, chẳng khác Việt Nam là mấy và những bông lau tím phơ phất thả nỗi nhớ vào chiều. Một đôi trẻ chụp ảnh cưới với bóng bay rực màu khiến cho không gian tĩnh lặng bỗng rộn rã hẳn lên.
Huyền ảo và hấp dẫn là đêm khai mạc lễ hội văn hóa Silla. Một không gian tái hiện lại triều đại dài nhất châu Á tại kinh đô cổ Gyeong ju. Không khí thật rộn ràng náo nức với những chính khách khoác trên mình những bộ triều phục, những nữ nhân đẹp một cách bí ẩn trong những tà áo xưa và cây cầu cổ sau bao năm trùng tu được mở lại lần đầu tiên. Nhà văn Bang Hyeon seok mời chúng tôi thưởng thức trà và bánh, đặc trưng của xứ sở kim chi trong không khí phảng phất vẻ liêu trai. Vở ca kịch trên nền câu chuyện tình của một vị tướng - sau trở thành đạo sư với một nàng công chúa chính là khát vọng của con người không chỉ riêng nơi này – khát vọng về hòa bình và tình yêu thương.
Chúng tôi thêm một lần nữa được chứng kiến lòng yêu mến và quý trọng nghệ thuật của người Hàn Quốc trong chương trình nghệ thuật thứ hai mà thị trưởng TP Gyeong ju mời.
Thanh nhã, không cầu kỳ trong phục sức, trang điểm, địa điểm nên thơ, không quá hoành tráng nhưng bù vào đó là người thưởng thức thì say mê, nhiệt tình dù trời lạnh và lắc rắc những giọt mưa. Ấn tượng lớn nhất là mọi thứ đều đơn giản để cho âm nhạc và những lời ca lên ngôi!
Và tiếp xúc nhiều hơn, chúng tôi càng nhận thấy những nét tương đồng và gần gũi giữa những giá trị tinh thần, văn hóa của Hàn Quốc và Việt Nam. Ngôi chùa cổ Phật Quốc Tự (xây dựng năm 751 và hoàn thành 774 do tể tướng Gim Dae – Seong cai quản) được xếp vào quốc bảo thứ 26 của Hàn Quốc và được UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới năm 1995, mang một thông điệp lớn – thờ Phật chính là tôn kính và yêu thương cha mẹ mình.
Tôi thả bước trong khuôn viên chùa có dáng dấp như một công viên rừng, ngắm cầu cổng chùa với các bậc đá hầu như còn nguyên vẹn được ghép một cách kỳ lạ, không cần bất cứ một chất liệu vữa nào, thanh thản uống ngụm nước mát chảy từ đỉnh núi xuống chiếc giếng cổ và thầm cầu bình an, đi dưới hàng hàng những lá sớ cầu hạnh phúc rực rỡ… Lòng tự nhủ - con người, tận sâu trong tâm khảm đều chung những khao khát và nguyện ước giống nhau.
Từng được đi nhiều nơi trên thế giới và đến đâu cũng cố tìm cách đến thăm Viện bảo tàng bởi chính nơi đó “hình” của mỗi quốc gia được hiện lên rất rõ.
Ở Gyeong ju chúng tôi dường như được bước vào không gian lịch sử, văn hóa của một triều đại rực rỡ, bền vững đã cách nay hơn một ngàn năm. Sự bài trí khoa học, chuyên nghiệp, cổ vật phong phú, khung cảnh đẹp là điều dễ nhận thấy nơi đây và truyền cảm xúc đến cho người xem rất nhanh. Không thể không liên tưởng đến quên nhà và tôi nghĩ đó là điều mà các bảo tàng của chúng ta cần học hỏi.
Đặc biệt nhìn từng đoàn học sinh ríu rít và say sưa chụp ảnh, lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu và một nhóm các em trong giờ hội hoạ chọn cổ vật trong tủ kính để tập vẽ, trong tôi dấy lên lòng ngưỡng mộ đất nước đã từng qua gian khổ để lớn mạnh như ngày nay.
Chắc chắn, để đất nước phát triển tất cả phải bắt đầu từ con người, từ nền giáo dục khoa học và chân chính.
Lưu giữ tinh hoa
Nhà lưu niệm nhà văn Dongni và nhà thơ Mokwol đối diện với chùa Phật Quốc Tự. Đây là hai nhà văn, thơ lớn của Hàn Quốc quê tại Gyeong ju. Như một bảo tàng thu nhỏ và hơn thế Hội lưu niệm Dongni và Mokwol còn làm được nhiều việc như tổ chức cuộc hội thảo văn học hàng năm. Năm 2018 này với chủ đề “văn học Việt Nam – Hàn Quốc hướng tới thịnh vượng đất nước và hòa bình thế giới” mà đoàn tám nhà văn Việt Nam được mời sang đã có một chuyến giao lưu đầy ấn tượng.
Tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa đứng mãi trước căn phòng làm việc đơn sơ của nhà văn Kim Dongni. Tôi cứ nghĩ xa xôi rằng: Cái còn lại trên thế gian khi con người trở về với cát bụi chính là tư tưởng và những tâm huyết khi “giao kèo” của nhà văn với nhân dân với cái đẹp và những điều thiện được thực hiện như ở Dongni.
Chúng tôi còn một chiều mưa đến thăm ngôi nhà thuở ấu thơ của nhà thơ Park Mok wol (1917 – 1978) tại một xóm nhỏ dưới chân núi. Tất cả như được giữ nguyên từ thế kỷ trước. Bờ giậu, mái tranh, bậc cửa, giếng nước, cối giã gạo, bếp nấu ăn và hai bậc thềm còn đó những đôi dép của cả người lớn và trẻ con…
Quá khứ được giữ vẹn nguyên ngay cả trong đoạn dây thừng, cái nơm và mảnh bao tải treo tòng teng bên vách, trên dây bầu lủng lẳng quả tròn ở hàng rào, trong hơi mưa mùa thu mát lạnh và níu mỗi bước chân du khách.
Thật thú vị khi biết cô gái đáng yêu có gương mặt bầu bầu là người con của chủ căn nhà cuối cùng của nhà thơ. Giờ đây cô là nhân viên quản lý khu lưu niệm này.
Tôi bỗng nhớ cũng một ngày mưa gió cùng một nhóm nhà văn về thăm khu vườn hoang sơ từng lưu giữ hình ảnh của nhóm Tự lực văn đoàn gần ga Cẩm Giàng (Hải Dương) mà lòng chạnh buồn! Văn hóa luôn luôn là cốt cách và phải là sự kiêu hãnh của mỗi dân tộc trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Sự lưu giữ tinh hoa dân tộc, có lẽ rõ ràng nhất là lưu lại trong mỗi con người nơi đây bằng sự hiểu biết dân tộc và đất nước mình cùng phong thái và từ chính những cử chỉ đầy văn hóa, ân cần.
Tôi nhận thấy điều đó trong những đôi mắt tròn xoe, trên những đôi má hồng phúng phính của con trẻ trong viện bảo tàng, trong cách ứng xử trân trọng và ân cần của dịch giả Ha jae Hong, nhà thơ Han – Tae joo (chủ tịch hội lưu niệm Dongni – Mok wol) giám đốc nhà lưu niệm Park Ri – Won và đặc biệt giám đốc Công ty du lịch đã thân chinh nhận việc lái xe để đưa đón đoàn…và chia sẻ với chúng tôi rất nhiều kiến thức cùng những trải nghiệm của mình.
Sự trọng thị, nồng ấm của thị trưởng, phó thị trưởng Gyeong ju đối với đoàn nhà văn Việt Nam là điều dễ hiểu trong một môi trường tôn trọng và yêu quý văn học – nghệ thuật như thế.
Chia tay Gyeong ju trong một ngày mưa gió, tất cả chúng tôi đều mong ngày trở lại.