Áp lực nợ xấu đè nặng lên nhóm ngân hàng nhỏ

Nợ xấu vẫn tiếp tục là cơn đau đầu và trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2024, đặc biệt là nhóm ngân hàng nhỏ…

tiền

Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành ngân hàng với điểm nhấn rủi ro tài sản và khả năng sinh lời nhìn chung vẫn ổn định, các ngân hàng nhỏ phải đối mặt với nhiều vấn đề về nợ xấu và thanh khoản.

NỢ XẤU “ĐE DỌA” CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN NHÓM NGÂN HÀNG NHỎ

Theo VIS Rating, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nợ có vấn đề của ngành vẫn giữ ổn định so với quý trước ở mức 2,2%, các ngân hàng nhỏ suy giảm chất lượng tài sản nhiều nhất.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của các ngân hàng tăng nhẹ lên 1,6% trong nửa đầu năm từ mức 1,5% trong năm 2023, nhờ tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp mạnh mẽ hơn và biên lãi ròng (NIM) cao hơn. Một số ngân hàng nhỏ sẽ dễ bị tổn thương hơn trước rủi ro thanh khoản do tăng nguồn vốn thị trường ngắn hạn trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi thấp.

“Chúng tôi kỳ vọng chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giữ ổn định trong nửa sau của năm 2024 nhờ việc cải thiện điều kiện kinh doanh”, nhóm phân tích VIS Rating cho hay.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-19 lúc 16.36.28.png
Nguồn: VIS Rating

Ngoài ra báo cáo cũng cho biết thêm, các ngân hàng nhỏ suy giảm chất lượng tài sản rõ rệt nhất. Cụ thể, NVB, BAB, SGB, VBB ghi nhận tỷ lệ nợ có vấn đề (NPL) hình thành mới cao hơn so với các ngân hàng khác, chủ yếu từ phân khúc bán lẻ và SME.

Trong số các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ có vấn đề của CTG và BID tăng lên do lĩnh vực liên quan đến xây dựng và bất động sản. Một số ngân hàng lớn đã giảm nợ có vấn đề bằng cách sử dụng dự phòng để xử lý trái phiếu VAMC (ví dụ: VPB) hoặc giảm nợ có vấn đề từ khách hàng lớn (ví dụ: MBB). Tỷ lệ NPL hình thành mới của TPB duy trì ở mức thấp nhờ vào việc thắt chặt điều kiện cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng mới.

Theo đó, đơn vị xếp hạng tín nhiệm này kỳ vọng môi trường lãi suất thấp và các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ giúp tăng khả năng trả nợ và giúp giảm các khoản nợ quá hạn.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-19 lúc 16.37.06.png
Nguồn: VIS Rating

VIS Rating cũng cho rằng, các ngân hàng tư nhân lớn sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc tăng trưởng tín dụng cao hơn và NIM cải thiện. Trong đó, TCB, HDB, VPB, LPB ghi nhận mức tăng trưởng cho vay cao hơn mức 7,7% của trung bình ngành, dẫn dắt bởi cho vay khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến bất động sản, thương mại và sản xuất. NIM của các ngân hàng này đã tăng từ 30-60 điểm cơ bản, dẫn đến ROAA cao hơn mức trung bình ngành, đạt trung bình 2,2%. Thu phí đã tăng ở một số ngân hàng, bao gồm TCB, LPB và TPB.

Ngược lại, lợi nhuận của các ngân hàng tập trung vào bán lẻ (ví dụ: VIB, OCB) giảm do tăng trưởng cho vay mua nhà kém khả quan, thu nhập từ đầu tư thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn. Nhóm phân tích kỳ vọng rằng ROAA của ngành sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu vay vốn mạnh mẽ của các doanh nghiệp, sự cải thiện cho vay mua nhà khi nguồn cung nhà ở mới ra thị trường hồi phục, cũng như NIM ổn định bởi lãi suất thấp.

Xét về quy mô vốn, báo cáo cho biết hầu hết các ngân hàng đều suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2024. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu chung hữu hình (TCE) toàn ngành giảm 0,3 điểm cơ bản so với quý trước, do một số ngân hàng lớn (ví dụ: VPB, MBB, ACB, TCB) trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-19 lúc 16.37.35.png
Nguồn: VIS Rating

VIS Rating cũng dự báo quy mô vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục ở mức thấp trong nửa sau của năm 2024 do kế hoạch huy động vốn cổ phần mới hạn chế. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của ngành giảm xuống 82% từ mức 89% trong 3 tháng đầu năm 2024, với nhóm ngân hàng quốc doanh (ví dụ: CTG, BID) ghi nhận sự sụt giảm đáng kể nhất do tỷ lệ nợ có vấn đề cao hơn.

Ngược lại, LLCR của một số ngân hàng tư nhân tăng lên nhờ cải thiện chất lượng tài sản (ví dụ: MBB, TPB) và tăng trích lập dự phòng (ví dụ: OCB). Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) toàn ngành tăng, các ngân hàng nhỏ có mức tăng trưởng tiền gửi thấp và phải bù đắp bằng tăng nguồn vốn thị trường ngắn hạn.

Tỷ lệ tiền gửi CASA của ngành giữ ổn định ở mức 20% tổng dư nợ cho vay. MBB duy trì tỷ lệ này cao nhất nhờ vào việc tiếp tục tăng trưởng tiền gửi cá nhân trên mức trung bình của ngành. LDR của toàn ngành tăng lên 106% trong 6 tháng đầu năm 2024 từ mức 104% trong 3 tháng đầu năm 2024.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-19 lúc 16.38.11.png
Nguồn: VIS Rating

Trong số các ngân hàng nhỏ, ABB và BVB gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tiền gửi do cạnh tranh huy động ngày càng gay gắt và phải tăng sử dụng nguồn vay liên ngân hàng ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng cho vay. Trong khi đó, tài sản thanh khoản chiếm 21% tổng tài sản ngành, không thay đổi so với quý trước.

“Chúng tôi lưu ý tài sản thanh khoản của các ngân hàng nhỏ đã giảm 6% trong 6 tháng đầu năm, trái ngược với mức tăng 5% của ngành. Vì vậy, chúng tôi cho rằng các ngân hàng nhỏ này sẽ dễ bị tổn thương hơn trước rủi ro thanh khoản”, đội ngũ phân tích của VIS Rating khuyến nghị.

THANH KHOẢN VÀ KINH TẾ PHỤC HỒI SẼ GIÚP GIẢM ÁP LỰC NỢ XẤU

Trên thực tế, việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng đang gặp vô vàn khó khăn. Thời gian qua, nhiều ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Tài sản được rao bán không chỉ là bất động sản, ô tô, máy móc, thiết bị mà còn có cả cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai.

Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, gần một nửa trong số đó là do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Việc thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo tài chính bán niên của 29 ngân hàng cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, nợ xấu tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2024, hoạt động cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn mạnh mẽ. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 5/2024 ở mức 4,94%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì mức 6,9%.

VDSC ước tính, xét về số tuyệt đối, nợ xấu nội bảng tăng thêm 75.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Đáng lưu ý, nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 06/2024/TT-NHNN và Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tăng khá mạnh, với tổng giá trị nợ gốc và lãi tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023, lên 230.400 tỷ đồng. Số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng tăng mạnh, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt vào cuối tháng 6/2024.

Trong khi nợ xấu có xu hướng gia tăng, thì thống kê từ báo cáo tài chính quý 2/2024 cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/số dư nợ xấu) tại phần lớn các ngân hàng đều giảm so với thời điểm cuối năm ngoái. Tính chung toàn ngành ngân hàng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 14,2 điểm phần trăm, từ mức 98,9% cuối năm ngoái xuống 84,7% vào cuối quý 2/2024. Theo số liệu thống kê, có 23/29 ngân hàng báo cáo tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm trong 6 tháng qua.

Chia sẻ tại cuộc họp báo được tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu vẫn đang có xu hướng tăng và nhấn mạnh đây là thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà của toàn nền kinh tế. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, nợ xấu là hệ quả của cả một quá trình, không phải do yếu kém của ngành ngân hàng.

“Tất nhiên, có một số khoản nợ xấu cũng do cán bộ tín dụng khi thẩm định không lường được khả năng trả nợ và rủi ro của khách hàng, nhưng về cơ bản nợ xấu là do những khó khăn chung của nền kinh tế khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Chúng tôi muốn công khai, minh bạch vấn đề này để thấy được trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu; không chỉ ngân hàng mà cả khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ vì tiền là tiền gửi của nhân dân”, ông Đào Minh Tú cho hay.

Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý tích cực hơn, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, trích lập để đảm bảo an toàn ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam: “Nhiều người lo lắng vấn đề nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đúng là tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại thời điểm cuối quý 2/2024 là 5%, nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%. Tuy nhiên, với thanh khoản hiện tại của hệ thống, nền kinh tế trong nước dần phục hồi, thì áp lực nợ xấu vẫn chưa quá đáng ngại”.

Xem thêm

Toàn cảnh nợ xấu ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2024

Toàn cảnh nợ xấu ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2024

Khảo sát kết quả kinh doanh của 29 ngân hàng thương mại trong nước (đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024) cho thấy, hầu hết nợ xấu tại tất cả ngân hàng trong hệ thống đều “phình to” so với thời điểm cuối năm 2023...

Có thể bạn quan tâm

Tiền rục rịch rời chứng khoán trước áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm

Tiền rục rịch rời chứng khoán trước áp lực đáo hạn trái phiếu cuối năm

Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Việc này có thể dẫn đến tình trạng một phần dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán, chuyển hướng sang thị trường trái phiếu để đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ...

Duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình, tránh tâm lý mua đuổi

Duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình, tránh tâm lý mua đuổi

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình, tránh tâm lý mua đuổi, cơ cấu danh mục tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để giải ngân khi các cổ phiếu lớn về mức hấp dẫn...

Phát Đạt báo lãi quý 3/2024 giảm một nửa so với cùng kỳ

Phát Đạt báo lãi quý 3/2024 giảm một nửa so với cùng kỳ

Phát Đạt cho biết, lợi nhuận quý 3 giảm mạnh do tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn trong đó có ngành bất động sản, vì vậy việc đầu tư và phát triển các dự án bất động sản của công ty chưa được thuận lợi...

Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới

Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới

Hai trong số ba chỉ số chính của Phố Wall đã ghi nhận mức kỷ lục mới, được hỗ trợ bởi ngành tài chính sau khi các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3 ấn tượng. Trong khi đó, dữ liệu PPI mới một lần nữa củng cố cho kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11…

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ