Big 4 ngân hàng rao bán hàng trăm tỷ đồng nợ xấu của loạt “đại gia” thép

Một loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép bị ngân hàng rao bán nợ trong thời gian gần đây, trong đó tài sản đảm bảo bao gồm nhiều bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất, xe ô tô...

mua-ban-no.jpg

Trong thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép đã bị các ngân hàng thương mại rao bán hàng trăm tỷ đồng nợ xấu. Đáng chú ý, có những khoản nợ đã được rao bán hàng chục lần trong nhiều năm nhưng vẫn chưa tìm được người mua.

LOẠT "ĐẠI GIA" THÉP BỊ SIẾT NỢ HÀNG TRĂM TỶ ĐỒNG

Mới đây, ngân hàng BIDV - chi nhánh Quảng Ngãi vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản và khoản nợ của Công ty TNHH Việt Quang. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ thép như: lưới B40, dây thép, đinh thép, dây mạ kẽm,...

Khoản nợ của Công ty Việt Quang được hình thành từ năm 2010, có tổng dư nợ tính đến 31/7/2024 là hơn 185,2 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là hơn 127,8 tỷ đồng, nợ lãi là 57 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này gồm: máy móc, thiết bị sản xuất; trạm biến áp 2.500 kVA; máy móc, thiết bị thuộc dự án đầu tư Nhà máy sản xuất thép mạ kẽm và vật liệu hàn; tài sản gắn liền với đất tại 3 thửa đất thuộc Khu công nghiệp Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Cùng với đó là các quyền sử dụng đất tại tổ 45, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng; quyền sử dụng đất xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng; quyền sử dụng đất tại lô BS1-13 KDC TS mở rộng, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; nhà đất tại tổ 9, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; quyền sử dụng đất và nhà ở tại Khu đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn bao gồm toàn bộ hàng tồn kho và toàn bộ quyền đòi nợ của doanh nghiệp. Các tài sản đảm bảo trên được thế chấp rải rác trong thời gian từ năm 2010-2018.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp thép cũng bị các ông lớn ngân hàng rao bán tài sản thế chấp trị giá hàng trăm tỷ đồng. Có những khoản nợ đã được rao bán hàng chục lần trong nhiều năm nhưng vẫn chưa tìm được người mua.

Vào tháng 4/2024, ngân hàng Agribank đã có thông báo bán đấu giá cho toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Khang Duy (một doanh nghiệp có cùng hệ sinh thái với Thép KDG) tại ngân hàng Agribank - Chi nhánh An Phú. Giá trị ghi sổ của hai khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2024 là xấp xỉ 361 tỷ đồng, với nợ gốc là 250,5 tỷ đồng và nợ lãi là 110,4 tỷ đồng.

Khoản nợ của công ty Thép KDG Việt Nam có giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2024 là 182,6 tỷ đồng, với nợ gốc 130,8 tỷ và nợ lãi 51,8 tỷ đồng. Khoản nợ của Đầu tư Khang Duy có giá trị ghi sổ là 178,3 tỷ đồng, với nợ gốc 119,7 tỷ và nợ lãi 58,6 tỷ đồng. Hai khoản nợ này phát sinh trong giai đoạn 2018 - 2022.

Agribank đặt giá khởi điểm đấu giá cho hai khoản nợ trên là 360,9 tỷ đồng, bằng đúng giá trị ghi sổ tính đến ngày 31/3. Người tham gia đấu giá dự kiến sẽ phải đặt cọc trước 10% giá khởi điểm.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Thép KDG gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng thuê đất giữa Thép KDG và Chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation. Dự án đầu tư nhà xưởng Thép KDG và máy móc thiết bị của nhà xưởng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Khang Duy gồm quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ Hợp đồng thuê đất ký giữa Thép KDG và Chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation. Dự án đầu tư Nhà xưởng Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam; xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc tải, xe ô tô. Hai doanh nghiệp trên đăng ký trụ sở tại Bình Dương và TP.HCM, cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt, thép, gang và các cấu kiện kim loại.

Tương tự, Agribank AMC (công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của Agribank) cũng đưa ra thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Thép Nguyên Phát tại ngân hàng Agribank - Chi nhánh Từ Liêm. Giá trị khoản nợ tính đến ngày 11/1 là 2,8 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1,6 tỷ đồng và nợ lãi là gần 1,2 tỷ đồng.

Khoản nợ này đã phát sinh kể từ năm 2012. Giá khởi điểm đấu giá là 1,82 tỷ đồng. Agribank AMC đã tổ chức đấu giá khoản nợ trên trong 5 lần kể từ đầu năm 2024, với giá khởi điểm lần đầu tiên là 2,8 tỷ đồng và giảm dần.

Ngoài ra, Agribank AMC cũng nhiều lần tổ chức đấu giá các tài sản đảm bảo là bất động sản cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Thép UK. Những khoản vay trên đã liên tục được đem ra đấu giá kể từ cuối năm 2022 đến gần nhất là tháng 3/2024.

Không chỉ có Agribank, các ngân hàng khác trong nhóm Big4 cũng đang liên tục đấu giá các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp ngành thép.

Đáng chú ý, BIDV đã có trên 20 lần rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Thép Việt Nhật. Khoản nợ của Thép Việt Nhật có tổng dư nợ lên tới 447 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 194 tỷ đồng. Sau nhiều lần hạ giá, mức giá khởi điểm của khoản nợ này chỉ còn hơn 80 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 so với giá trị ghi sổ.

Tài sản thế chấp cho khoản nợ trên gồm bất động sản, xe ô tô các loại như Toyota Camry GLI, xe Mercedes E240, Toyota Hiace và dây chuyền sản xuất thép.

Trước đó, BIDV cũng từng rao bán các khoản nợ của những doanh nghiệp trong ngành thép như Công ty Cổ phần Hoàng Long Steel, Công ty Cổ phần Luyện cán thép Sóc Sơn, Công ty Cổ phần Thép Việt Nga…

Đồng cảnh ngộ, ngân hàng VietinBank cũng đã nhiều lần rao bán khoản nợ trị giá 183 tỷ đồng (nợ gốc là 132 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần Thép Úc SSE và khoản nợ 306 tỷ đồng (nợ gốc 267 tỷ đồng) của Công ty Cổ phần Thép Nam Thuận. Cả hai doanh nghiệp này đều do ông Lâm Văn Hùng làm Tổng Giám đốc. Giá khởi điểm của hai khoản nợ chỉ tương đương với dư nợ gốc của từng khoản nợ.

Trong khi đó, Vietcombank cũng đã nhiều lần có thông báo phát mại tài sản đảm bảo là bất động sản của Công ty Cổ phần Thép DANA - UC. Bất động sản này có địa chỉ tại 92 Phan Châu Trinh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Thửa đất có diện tích 214,4m2, có 8 tầng (thực tế 9 tầng, một tầng tum), diện tích xây dựng 214,4m2 và diện tích sử dụng 1.883,8m2.

Giá khởi điểm của tài sản này liên tục được giảm, hiện đã xuống còn 24,6 tỷ đồng. Cuối năm 2023, bất động sản trên từng được chào bán với giá khởi điểm là 32 tỷ đồng.

CÓ LỊCH SỬ NỢ XẤU THÌ CÓ THỂ VAY VỐN ĐƯỢC KHÔNG?

Theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước, nợ tại các tổ chức tín dụng được chia thành 5 nhóm. Trong đó, nợ quá hạn thanh toán từ 90 ngày trở lên được coi là nợ xấu.

Nợ xấu bao gồm các nhóm nợ như sau: nhóm 3 dưới tiêu chuẩn (quá hạn từ 91 - 180 ngày), nhóm 4 nghi ngờ (quá hạn từ 181 - 360 ngày) và nhóm 5 có khả năng mất vốn (quá hạn trên 360 ngày).

Theo đó, nợ xấu được hiểu là các khoản nợ đã không được thanh toán đúng hạn và đã quá hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Các khoản nợ xấu này sẽ được lưu lại trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng tín dụng của khách hàng.

Hiện nay, trên mạng xã hội, có nhiều hội nhóm, cá nhân quảng cáo "che nợ xấu", "xóa nợ xấu" tại CIC. Nhưng CIC khẳng định mọi quảng cáo về dịch vụ xóa nợ xấu đều là hành động lừa đảo.

Tất cả các thông tin của khách hàng tại CIC được cập nhật/lưu trữ trung thực, khách quan đúng theo thông tin được các tổ chức tín dụng báo cáo. CIC hay bất kỳ tổ chức/cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin này.

Theo CIC, thông tin tín dụng chỉ có thể được điều chỉnh nếu ghi nhận các sai sót do lỗi tác nghiệp và phải tuân thủ quy trình xác minh, kiểm tra nghiêm ngặt.

Theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 của NHNN, thông tin tiêu cực về khách hàng vay được CIC sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng theo thời gian tối đa 5 năm kể từ ngày kết thúc thông tin tiêu cực đó.

Ngoài ra, khách hàng có lịch sử nợ xấu vẫn có cơ hội tiếp cận tín dụng căn cứ khẩu vị rủi ro và nguyên tắc đánh giá khách hàng vay của tổ chức tín dụng. Việc đánh giá rủi ro đối với khách hàng dựa trên nhiều yếu tố theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của từng tổ chức tín dụng; thông tin do CIC cung cấp là một trong nhiều kênh tham khảo, hỗ trợ, không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định của tổ chức tín dụng.

Xem thêm

“Sóng” cổ tức trên thị trường ngân hàng

“Sóng” cổ tức trên thị trường ngân hàng

Cổ đông ngân hàng sắp nhận được cơn “mưa” cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu khi các ngân hàng đã chốt quyền chi trả cổ tức để tăng mạnh vốn, nâng cao năng lực tài chính...

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Vùng quanh TP.HCM đang nổi lên như một “thỏi nam châm” đầu tư bất động sản nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch rõ ràng và dòng vốn FDI lớn…