Kết luận của Thanh tra TP.HCM vừa công bố mới đây cho thấy Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) có "dấu hiệu bị thâu tóm" ở lần bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng vào đầu năm 2020. Trước đó đơn vị này đã trải qua 7 lần tăng vốn.
Lạ kỳ cổ đông lớn
Để chuẩn bị cho lần tăng vốn đầu năm nay, ngày 18/4/2019, Saigon Co.op tổ chức hội thảo lấy ý kiến các hợp tác xã (HTX). Hội thảo thống nhất chủ trương tăng góp vốn của các HTX vào vốn điều lệ Saigon Co.op tùy theo tình hình tài chính từng thành viên. Hai tháng sau, HĐQT Saigon Co.op thông qua tờ trình chủ trương tăng vốn.
Ngày 6/7/2019, Saigon Co.op tổ chức Đại hội thành viên nhiệm kỳ 2019-2024 và ban hành Nghị quyết 11, thống nhất tăng vốn điều lệ từ các HTX thành viên theo đúng quy định pháp luật "để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính phục vụ cho việc triển khai các giải pháp trọng yếu theo đúng định hướng phát triển tổng thể, giữ vững vị thế dẫn đầu của Saigon Co.op". HĐQT được giao tính toán phương án tăng vốn cụ thể trình Đại hội thành viên thông qua.
Ngày 30/1/2020, Đại hội thành viên bất thường Saigon Co.op có nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên gần 6.800 tỷ đồng, theo phương án huy động vốn từ các thành viên.
Theo đó, có 20/26 HTX thành viên góp vốn với tổng số tiền hơn 3.597 tỷ đồng. Đáng chú ý, có đơn vị hoạt động kinh doanh với mức lợi nhuận sau thuế từ 5 tỷ đến dưới 6 tỷ đồng là HTX thương mại quận 3 và HTX thương mại dịch vụ Tân Bình không tham gia góp vốn. Trong khi đó, phần lớn HTX đạt lợi nhuận từ 24 triệu đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp hàng trăm tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là qua kiểm tra kết quả hoạt động sản xuất, Thanh tra thành phố cho thấy trong các năm 2018-2019 có 6 HTX thành viên hoạt động không hiệu quả. Trong đó có đơn vị góp vốn nhiều nhất là HTX Thương mại Dịch vụ Linh Tây (hơn 952 tỷ đồng) có kết quả kinh doanh thua lỗ, vốn điều lệ tính đến 31/12/2019 là 571 triệu đồng nhưng đến thời điểm hiện tại HTX này đã nhanh chóng nâng lên thành 3,1 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, trụ sở của HTX Thương mại Dịch vụ Linh Tây nằm trên đường Lê Văn Linh (Phường Linh Tây, Quận Thủ Đức) khá vắng vẻ không có biểu hiện gì của một đơn vị kinh doanh có vốn điều lệ hàng tỷ đồng.
Tấm bảng hiệu ghi thông tin các mặt hàng kinh doanh của cửa hàng Co.op số 36 này bị phai màu, khó đọc. Cửa hàng rộng chừng 30 m2 chỉ có một nhân viên, bán đồ gia dụng như thảm chùi chân, bao bì, giấy dán tường, ghế xếp, thú nhồi bông...
Cách đó chừng 9 km, ở số 8 Công trường Tự Do (Bình Thạnh), là trụ sở HTX Thương mại Thị Nghè – đơn vị góp 244 tỷ đồng vào Saigon Co.op (cũng kinh doanh thua lỗ). Đây là khu vực khá sầm uất với nhiều cửa hàng ăn uống, tạp hóa, mỹ phẩm... Tấm bảng hiệu HTX đặt trên mái nằm xiêu vẹo, ngả màu nâu, hoen rỉ. Căn nhà được chia thành hai khu vực kinh doanh và văn phòng. Ở tầng trệt là cửa hàng cháo, gỏi vịt với hơn 10 bàn, nhưng chỉ một bàn có khách...
Bản chất của sai phạm
Về mặt logic, các thành viên có mức lợi nhuận cao đáng lẽ ra phải tham gia góp vốn để tăng doanh thu nhiều hơn bởi Saigon Co.op đang là một doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu hiện nay với doanh thu hàng chục nghìn tỷ mỗi năm và tỷ suất lợi nhuận khoảng 30%.
Thế nhưng nghịch lý đã xảy ra khi các HTX có lợi nhuận thấp hơn lại đồng loạt góp vốn. Theo các HTX này cho biết, để có tiền góp vốn vào Saigon Co.op đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân bên ngoài HTX.
Điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua HTX thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op. Thế nhưng theo kết luận của thanh tra, các HTX thành viên không cung cấp hồ sơ liên quan việc góp vốn, việc huy động vốn.
Đáng chú ý, có 13 HTX thành viên ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Bính (Hà Đông, Hà Nội) làm việc với đoàn thanh tra, nhưng người này cũng không cung cấp được các hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra để làm rõ nguồn vốn góp.
Theo quy định tại Thông tư 83/2015/TT-BTC cho biết, HTX, Liên hiệp HTX được quyền huy động vốn theo quy định của pháp luật để phục vụ sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cho chủ nợ theo cam kết trong hợp đồng nhưng ưu tiên huy động vốn từ thành viên, HTX thành viên
Trường hợp huy động vốn từ thành viên, HTX thành viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì HTX, liên hiệp HTX mới được huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ HTX , Liên hiệp HTX.
Do đó, chỉ khi nào HTX không thể huy động vốn từ thành viên đầu tư thì mới thực hiện các hình thức huy động vốn khác, ví dụ như vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, các cá nhân, tổ chức ngoài hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật như tiếp nhận các khoản trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo thỏa thuận, phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Luật Hợp tác xã 2012 cũng quy định cũng quy định HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX.
Điều này đồng nghĩa với việc bản chất của HTX là hoạt động vì mục tiêu lợi ích chứ không vì lợi nhuận. Trong khi đó, việc huy động vốn từ tổ chức, cá nhân khác không phải là thành viên lại mang mục tiêu “đối vốn” và hướng tới lợi nhuận phá vỡ thông lệ hoạt động của khu vực HTX.
Nếu muốn mở rộng sản xuất kinh doanh các HTX, Liên hiệp HTX sẽ sử dụng nguồn vốn tích lũy không chia (là nguồn vốn góp ban đầu của các thành viên HTX được tăng theo thời gian hoạt động).
Theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012, tài sản không chia của HTX, liên hiệp HTX bao gồm: Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất; Khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước; khoản được tặng, chữ theo thỏa thuận là tài sản không chia; Phần trích lại từ quỹ đầu tư phát triển hằng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia; Vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.
Nếu bị lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn bên ngoài thì các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của Liên hiệp sẽ nắm quyền chi phối, can thiệp vào các tài sản không chia này, trong đó có tài sản của Nhà nước. Từ đây có thể thấy được động cơ muốn thâu tóm quyền sở hữu tài sản không chia của nhóm các nhà đầu tư bên ngoài là quá rõ ràng.