Bật Champagne bàn chuyện biến số trong năm 2024 của chứng trường bạc tỷ

Thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ diễn ra như thế nào, liệu có bứt phá hơn năm cũ không? Những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến xu hướng của thị trường đang là điều mà nhiều nhà đầu tư săn đón nhất...

chung-khoan-658f3ba63c0ab-3829.jpeg

Cùng chung xu hướng thế giới, năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trải qua một năm giao dịch với nhiều cung bậc cảm xúc. Biến động là từ được dùng phổ biến nhất khi đánh giá về thị trường chứng khoán trong nước năm qua.

Bước sang năm 2024, nhiều dự báo ủng hộ xu hướng tích cực của chứng khoán trong nước, với mức tăng trưởng tới 15% cho VN-Index. Tuần giao dịch đầu tiên trong năm mới, VN-Index có thể hướng tới vùng 1.150 điểm với kỳ vọng “đầu xuôi đuôi lọt”.

Không phụ sự kỳ vọng của nhà đầu tư, trong những phiên đầu năm, VN-Index liên tục tăng điểm ấn tượng. Đặc biệt là phiên 3/1 tăng 12,45 điểm lên mức 1.444,17 điểm; tiếp đà cho phiên 4/1 tăng gần 7 điểm, đóng cửa tại mức 1.150,72 điểm với thanh khoản đạt mức 1,2 tỷ USD sau chuỗi ngày dài “lình xình”.

Song, đó cũng chỉ là những phiên mở màn, nhà đầu tư sẽ “ăn mừng” hay “khóc lớn” thì vẫn phải chờ đến cuối năm 2024 mới có thể biết được. Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm “hành tẩu” trên chứng trường bạc tỷ, nhiều chuyên gia cũng đã nhận thấy những yếu tố sẽ tác động đến thị trường trong năm nay.

Để có thêm những phân tích, dự báo về thị trường chứng khoán 2024, Tạp chí Thương Gia đã ghi lại quan điểm, góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, đại diện công ty chứng khoán, quỹ đầu tư trên thị trường…

NĂM 2024 – NĂM BẢN LỀ CHO CƠ HỘI MỚI TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

nguyễn hồng điệp .jpeg
Ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO tại Công ty Cổ Phần ViCK

“Trong năm 2024, xu hướng của thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động mạnh bởi 3 yếu tố là chính sách vĩ mô, định giá và dòng tiền. Ngoài ra, do thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ, đại bộ phận là các nhà đầu tư cá nhân còn thiếu kinh nghiệm, nên xu hướng thị trường cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, bởi tin đồn và một số yếu tố khác.

Xét yếu tố vĩ mô, thế giới đang ở cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Khả năng cao từ Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Kinh tế Mỹ cũng thể hiện bộ mặt tươi sáng khi xác suất rơi vào suy thoái là rất thấp. Chính sách vĩ mô trong nước tương đối thuận lợi cho môi trường đầu tư, hỗ trợ cho sự phục hồi sản xuất kinh doanh. Bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ, Chính phủ sẽ ưu tiên cho tăng trưởng để GDP năm 2024 sẽ trở lại vượt 6%. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ họp để thông qua luật đất đai mới trong tháng 1/2024. Sự kiện này được kỳ vọng là cú hích để gỡ băng cho thị trường bất động sản.

Về yếu tố định giá, hiện thị trường ở vùng trung bình thấp trong vòng 5 năm qua. Chỉ số P/E trung bình chỉ dưới 14, đặc biệt P/B dưới 1,5, đang thể hiện thị trường đủ sức hấp dẫn cho đầu tư. Nếu dự báo rằng EPS của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng khoảng 18-24% trong năm 2024 thì P/E sẽ còn giảm rất mạnh. Một trong những vấn đề mũi nhọn của nền kinh tế là cầu nội địa, hiện thị trường bán lẻ đang có dấu hiệu tạo đáy vào quý 3/2023. Khi thị trường bán lẻ khởi sắc, sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhiều dòng.

Về yếu tố dòng tiền, hiện tại chứng khoán vẫn là kênh có sức hút tốt. Trong những ngày cuối năm 2023 rộ lên việc giá vàng nhảy múa, nhưng đầu tư vào vàng luôn rất mạo hiểm bởi tính đầu cơ cao, giá vàng bất cứ lúc nào cũng có thể rơi mạnh, sự chênh lệch giá mua và giá bán. Kênh bất động sản cũng chưa thể tan băng.

Một trong những điều nhà đầu tư kỳ vọng cho năm 2024 là việc Việt Nam lọt vào rổ xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Hệ thống KRX sẽ triển khai trong năm 2024 cũng giúp thỏa các yêu cầu về định lượng. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng năm 2024 là năm bản lề cho việc đáp ứng các tiêu chí để Việt Nam chính thức nâng hạng vào cuối 2025”.

ĐỊNH GIÁ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT VẪN HẤP DẪN

truong-quang-binh-2688.jpeg
Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

“Sang năm 2024, sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn nhờ các hoạt động kinh tế. Từ tiêu dùng nội địa đến xuất khẩu sẽ được kích hoạt bởi chính sách nới lỏng lãi suất và tài khoá, cùng với sự hồi phục từ nhu cầu từ bên ngoài.

Về chính sách tiền tệ, Việt Nam đang đi vào giai đoạn nới lỏng sớm hơn các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm kích hoạt tăng trưởng kinh tế. Từ tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều đợt cắt giảm lãi suất điều hành, kéo theo lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại giảm mạnh, thấp hơn cả giai đoạn trước Covid-19.

Nguồn: YSVN
Nguồn: YSVN

Các ngân hàng thương mại điều chỉnh mạnh lãi suất huy động đồng nghĩa lãi suất chiết khấu giảm, cho thấy mức định giá các doanh nghiệp niêm yết càng trở nên hấp dẫn hơn. Giá cổ phiếu xứng đáng ở mức giá cao hơn.

Bên cạnh đó, các chính sách vĩ mô khác cũng đang được cải thiện, như chính sách tài khóa tiếp tục được nới lỏng; thuế VAT giảm 2% so với hồi đầu năm; cầu nội địa tăng trưởng ổn định trong khi xuất khẩu đang trên đà hồi phục…

Nguồn: YSVN
Nguồn: YSVN

Về mặt định giá, thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức “không đắt”. Luỹ kế 12 tháng, P/E đạt mức 14,7 lần, thấp hơn bình quân 5 năm luỹ kế là 17,6 lần. Với dự phòng 2024 thì P/E chỉ còn 9,2 lần, khoảng -1 độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm. Ở mỗi mức +/-1 độ lệch chuẩn, thị trường đều phản ứng rất quyết liệt, nên ở giai đoạn này, xác suất thị trường tăng cao hơn thị trường đi xuống dưới -1 độ lệch chuẩn, đặc biệt là với những sự cải thiện về mặt vĩ mô như trên.

Earning yield (tỷ suất lợi tức) các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng hồi phục ấn tượng, còn earning yield thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang ở mức hấp dẫn, xấp xỉ 11%. Trong quá khứ, những giai đoạn earning yield tăng trên 11% như 2008, 2011 và 2020, VN-Index đã hồi phục rất mạnh. Điều này khẳng định một lần nữa thị trường đang ở mức định giá rất hấp dẫn".

VN-INDEX CÓ THỂ ĐẠT MỨC 1.280 ĐIỂM

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

“Ở kịch bản cơ sở, tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên ngưỡng 1.250 - 1.280 điểm trong năm 2024. Theo đó, định giá hiện tại của VN-Index đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần P/E, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây.

Nhìn về năm 2024, những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó, bao gồm:

Thứ nhất, Fed có thể sẽ hạ lãi suất từ quý 2/2024, tổng mức giảm đến cuối năm khoảng 1%/năm, xuống 4,5%/năm. Lãi suất giảm sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi.

Thứ hai, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.

Thứ ba, nhiều dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội dần được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Thứ tư, hệ thống KRX dự kiến sẽ sớm được đưa vào vận hành, tạo nền tảng cơ sở cho các sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Định giá thị trường đang ở mức hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn.”

THỊ TRƯỜNG ĐƯỢC TRAO ĐỘNG LỰC LỚN, CŨNG PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CÁC THÁCH THỨC

ong-huynh-hoang-phuong-giam-doc-khoi-nghien-cuu-va-phan-tich-dau-tu-fidt-696.jpeg
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư FIDT

"VN-Index năm 2024 sẽ tiếp tục đi sát với kỳ vọng tăng trưởng nền kinh tế. Theo đó, thị trường cũng sẽ được trao những động lực lớn và cũng phải đương đầu với các thách thức. Tôi đặc biệt lưu ý tới một số yếu tố như sau.

Động lực từ quốc tế, theo nhiều bên phân tích đánh giá Mỹ sẽ hạ cánh mềm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu không quá cao nhưng cũng tốt hơn kịch bản suy thoái. Chính sách tiền tệ của Mỹ đang mở ra nhiều cơ hội hơn khi lãi suất Fed đã đạt đỉnh và khả năng cao sẽ giảm lãi suất từ giữa năm 2024.

Trong khi đó, vấn đề lạm phát không còn được coi là yếu tố quan trọng trong năm sau khi dự báo lạm phát sẽ giảm và không còn là mối lo ngại lớn của các ngân hàng trung ương.

Đối với thị trường trong nước, dự phóng GDP năm 2024 sẽ trở nên tích cực hơn với dự báo tăng trưởng 6-6,5%. Lợi nhuận thị trường (EPS) năm sau kỳ vọng tăng trưởng tốt với sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng đã được áp dụng năm 2023 và duy trì xuyên suốt năm.

fid-2738.jpg
Nguồn: FIDT

Ngoài ra, tôi cũng đưa ra hai thách thức mà nhà đầu tư vẫn phải theo dõi trong năm 2024. Thứ nhất, tình hình địa chính trị là rủi ro khó đoán trong năm 2024 và cần phải lưu ý.

Thứ hai, yếu tố thị trường bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp đến hạn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán. Nếu các vấn đề này vẫn gặp nhiều khó khăn và không được giải quyết một cách gọn gàng, nguy cơ về một giai đoạn khó khăn kéo dài cho toàn thị trường là điều có thể hình dung được. Giai đoạn khó khăn nhất của trái phiếu doanh nghiệp đã qua đi, nhưng lượng trái phiếu đáo hạn còn lớn và vẫn là dấu hỏi của thị trường".

VN-INDEX CÓ THỂ LÊN VÙNG 1.350 - 1400 ĐIỂM VÀO CUỐI NĂM 2024

ong-nguyen-thanh-lam-giam-doc-phan-tich-khach-hang-ca-nhan-maybank-investment-bank-msvn-1018.png
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank (MSVN)

“Giai đoạn nửa đầu năm 2024, trong đó có cuối quý 1 - đầu quý 2 có những điểm thận trọng. Về kinh tế trong nước, áp lực đáo hạn trái phiếu rơi vào khoảng tháng 4, 5, có thể dẫn tới những rủi ro. Doanh nghiệp không hẳn là không thanh toán được, mà trong một số tình huống gây áp lực lên thị trường, khi phải bán bớt cổ phiếu, tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Nếu doanh nghiệp bán được tài sản, cơ cấu được nợ trái phiếu thì giảm áp lực cho thị trường.

Dù xác suất thấp nhưng nếu có rủi ro liên quan vấn đề nợ trái phiếu trong giai đoạn tháng 4 - 5/2024 thì có thể tác động đáng kể tới thị trường. Giai đoạn nửa đầu năm, tháng 1 có thể sung sức nhưng qua tháng 2, 3 chậm dần lại, tháng 4, 5 nếu áp lực xuất hiện có thể khiến thị trường rung lắc, giằng co.

Vào nửa cuối năm, đi kèm kinh tế thực bắt đầu cho thấy sự khởi sắc rõ nét. Lúc này Luật Bất động sản sửa đổi cũng đã thông qua, trường hợp sớm có thể thông qua vào tháng 1, 2. Vấn đề liên quan tới bất động sản, hồi phục kinh tế đều ở nấc cao hơn so với nửa đầu năm, theo đó điểm rơi thị trường tăng mạnh được có thể vào cuối năm.

Ngoài ra, chúng ta có “của để dành” đó là nâng hạng thị trường. Các chuyên gia cho rằng xác xuất 50-50 với những gì đang chuẩn bị. Nếu thị trường không có thông tin nâng hạng, ở đây không nhất thiết là được nâng hạng mà là câu chuyện đảm bảo để năm 2025 được chính thức nâng hạng.

Ở kịch bản thận trọng, VN-Index đạt khoảng 1.250 điểm. Còn trong kịch bản nếu kịp sửa luật, mọi thứ điều chỉnh trên thị trường được ghi nhận, đưa vào trạng thái sẵn sàng nâng hạng thì điểm số VN-Index có thể lên vùng 1.350 - 1400 điểm vào cuối năm 2024, kéo qua đầu năm 2025”.

Xem thêm

“Ngóng” sóng cổ phiếu công nghệ thông tin trong năm 2024

“Ngóng” sóng cổ phiếu công nghệ thông tin trong năm 2024

Với những triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cổ phiếu FPT bởi đây là doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số...

El Nino vẫn kéo dài, thủy điện “khát nước”, cổ phiếu nhiệt điện hưởng lợi lớn?

El Nino vẫn kéo dài, thủy điện “khát nước”, cổ phiếu nhiệt điện hưởng lợi lớn?

Trong báo cáo, các chuyên gia của Agriseco Research cho rằng thủy điện vẫn còn nhiều khó khăn do chu kỳ El Nino còn tiếp diễn đến nửa đầu 2024. Dự báo đến hết tháng 4/2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất từ 80-90% với cường độ giảm dần trước khi chuyển sang pha trung tính vào giữa năm 2024...

Những con sóng nào đang nổi trên thị trường chứng khoán?

Những "con sóng" nào đang nổi trên thị trường chứng khoán?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023. Điều khiến không ít nhà đầu tư quan tâm lúc này là những nhóm cổ phiếu nào giữ được đà tăng trưởng tích cực sau một năm đầy biến động?...

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...