Những "con sóng" nào đang nổi trên thị trường chứng khoán?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023. Điều khiến không ít nhà đầu tư quan tâm lúc này là những nhóm cổ phiếu nào giữ được đà tăng trưởng tích cực sau một năm đầy biến động?...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
song-chung-khoan-8680.jpeg
Những "con sóng" nào đang nổi trên thị trường chứng khoán?

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 là một chặng đường đầy thú vị, để lại vô vàn cảm xúc cho nhà đầu tư qua những thăng trầm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế - tài chính trong nước, có không ít nhóm ngành ghi nhận mức sụt giảm.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian rực rỡ nhất của nhiều nhóm ngành, với tốc độ tăng giá tốt so với đầu năm đặc biệt như ngành chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, thép…

LOẠT MÃ “CỔ CHỨNG” TĂNG BẰNG LẦN

So với phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023, chỉ số VN-Index mới chỉ nhích thêm gần 6%. Trong khi đó,số liệu thống kê từ FiinTrade cho biết, tính tới ngày 5/12/2024, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ ghi nhận hiệu suất tăng trưởng cao nhất năm khi đạt tỷ lệ hơn 28,2%.

Xét theo nhóm ngành, dẫn đầu là dịch vụ tài chính đạt hiệu suất 75,7%. Nổi bật là các công ty chứng khoán khi hưởng lợi câu chuyện triển vọng nâng hạng thị trường và hệ thống KRX đi vào vận hành. Ngược lại, nhóm ngành bất động sản và thực phẩm - đồ uống lại khá đuối với lực tăng nhẹ lần lượt là 2,8% và 10,2%.

Thực tế khảo sát cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu trong nhóm ngành chứng khoán đã ghi nhận đà tăng bằng lần. Điển hình như, cổ phiếu VIX của Chứng khoán VIX đã tăng gấp 2,7 lần so với hồi đầu năm, lên vùng giá 16.500 đồng/cổ phiếu. Hay cổ phiếu SHS của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội tăng gấp 2 lần, leo lên mức 19.000 đồng. Cổ phiếu FTS của Chứng khoán FPT tăng gấp 2,4 lần lên gần 43.000 đồng...

Đặc biệt, mã BSI của Chứng khoán BIDV (BSC) chính thức lập đỉnh lịch sử mới vào cuối tháng 11 ở vùng giá 46.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 2,6 lần so với hồi đầu năm. Mã này diễn biến thăng hoa trong bối cảnh lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3,3 lần cùng kỳ năm 2022, đạt 429 tỷ đồng và hoàn thành 76% kế hoạch năm.

Trong khi đó, hai "ông lớn" đầu ngành là SSI và VND cũng ghi nhận đà tăng trưởng nhưng mức tăng chậm hơn. Cụ thể, so với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu SSI đã tăng 1,7 lần, đạt mức 32.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, mã VND đã đạt đỉnh vào cuối tháng 9/2023 ở vùng giá 29.000 đồng/cổ phiếu, gấp 2 lần so với tháng 1/2023.

Đà tăng trưởng tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán phần nào được hỗ trợ nhờ nền tảng kinh doanh tích cực. Khối phân tích từ FiinGroup cho thấy trong quý 3/2023, lợi nhuận sau thuế của các công ty này tăng 141% so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của top 20 công ty chứng khoán hàng đầu đạt 42,7% so với quý trước và 101,3% so với cùng kỳ 2022. Động lực tới từ sự khởi sắc của thị trường cũng như sự cải thiện đáng kể của thanh khoản trong quý 3.

Thêm vào đó, cổ phiếu chứng khoán bứt phá mạnh trong bối cảnh hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam) đang đến gần ngày chính thức vận hành (go-live) theo kế hoạch là cuối tháng 12/2023. Các đợt kiểm thử gấp rút được triển khai với sự tham gia của cơ quan quản lý và thành viên thị trường bao gồm các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước.

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) cũng ra thông báo sẽ xem xét xử lý vi phạm với bất kỳ công ty chứng khoán nào không tham gia hoặc tham gia không đạt yêu cầu kiểm thử hệ thống KRX.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), đến cuối tháng 9/2023, tổng cộng 59 công ty chứng khoán đã kiểm thử thành công 100% các chức năng go-live của hệ thống KRX.

CỔ PHIẾU THÉP ĐÃ TRỞ LẠI “ĐƯỜNG ĐUA”

Sau khi giảm sâu trong năm 2022, giá nhiều mã cổ phiếu nhóm ngành thép có diễn biến đi ngang trong 5 tháng đầu năm 2023 và bật tăng kể từ đầu tháng 6 đến nay, nhất là các mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Thép Nam Kim, TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam.

Đáng chú ý, cổ phiếu HPG còn liên tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại. Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu thép thậm chí còn bất chấp cả kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn mang sắc màu ảm đạm.

Hầu hết các chuyên gia đều chung nhận định, nhờ giá nguyên vật liệu giảm mạnh, các nhà máy mở cửa trở lại, giai đoạn khó khăn nhất với ngành thép đã qua và các dấu hiệu phục hồi đang xuất hiện. Điều đó giúp cổ phiếu nhóm cổ phiếu này tăng giá mạnh so với thị trường chung.

Không chỉ ở thị trường trong nước, xuất khẩu thép cũng gặp thuận lợi, nhất là khi bất động sản tại Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định trở lại, là điểm sáng cho việc tiêu thụ các kim loại trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có thép.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 34,3% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng thép các loại đạt hơn 2,5 triệu tấn, tăng 30,1% so với cùng kỳ 2022.

tinh-hinh-san-xuat-3818-2820.png
Nguồn: VSA
tinh-hinh-ban-5460-7544.png
Nguồn: VSA

Tính chung 11 tháng đầu năm, sản xuất thép đạt 25 triệu tấn, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tiêu thụ thép đạt 23,7 triệu tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, xuất khẩu thép đạt 7,4 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu của thép Việt chủ yếu là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Đài Loan.

Những nỗ lực này đã đưa nhóm cổ phiếu thép xếp vào nhóm đầu tư có triển vọng nửa cuối năm 2023. Tính đến thời điểm hiện tại, thị giá cổ phiếu HPG đã tăng gấp 1,5 lần so với hồi đầu năm. Tương tự, cổ phiếu HSG tăng gấp 1,8 lần; cổ phiếu NKG tăng gần gấp 2 lần; mã TVN cũng tăng 1,2 lần…

Dự báo về triển vọng ngành thép năm 2024, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA cho biết, lượng tiêu thụ thép sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn. Sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.

Trong báo cáo phân tích mới nhất, phía Công ty Chứng khoán MBS cũng dự báo thị trường thép nội địa và xuất khẩu của Việt Nam phục hồi tích cực cả về giá và sản lượng trong năm 2024.

thep-1-7055.png
Nguồn: MBS Research

Với thị trường nội địa MBS Research kỳ vọng tiêu thụ tăng 9% so với cùng kỳ và giá thép tăng 8% so với cùng kỳ vào năm 2024. Theo báo cáo của CBRE, nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện kể từ năm 2024. Nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến tăng hơn 33% vào năm 2024, đạt mức 20.000 căn hộ và tại TP.HCM nguồn cung đạt khoảng 12.000 căn, tăng 31%. Nguồn cung căn hộ phục hồi sẽ tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa.

Nguồn: MBS Research

Nguồn: MBS Research

Thị trường xuất khẩu kỳ vọng nhu cầu phục hồi từ EU trong bối cảnh các đối tác xuất khẩu chính vào EU không thể duy trì sản lượng, nguồn cung tại EU tiếp tục thiếu hụt. Sản lượng xuất khẩu thép dự kiến lần lượt đạt 10,5 triệu tấn, tăng 25% và11,2 triệu tấn, tăng 7% vào năm 2023 và 2024. Bên cạnh đó, giá HRC xuất khẩu dự kiến đạt 800 USD/tấn, tăng 8% trong năm 2024.

Nguồn: MBS Research

Nguồn: MBS Research

TIỀN NGOẠI CHẢY MẠNH VÀO NHÓM BẤT ĐỘNG SẢN KHU CÔNG NGHIỆP

Trong quý 3/2023, nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp là một trong số ít nhóm ngành có kết quả kinh doanh duy trì ở mức tích cực. Cụ thể, trong quý 3/2023, doanh thu từ các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp niêm yết chỉ giảm nhẹ 0,17% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do giảm doanh thu từ mảng bất động sản dân cư.

Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn tăng trưởng tích cực, lên tới 33%, nhờ giá cho thuê khu công nghiệp tăng cũng như quản lý tốt các khoản chi phí.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), mặc dù P/E ngành bất động sản khu công nghiệp hiện ở mức cao tới 29,1x lần do nhiều công ty vốn hóa lớn trong ngành có lợi nhuận mảng bất động sản dân cư sụt giảm mạnh như Becamex, IDICO, Đô thị Kinh Bắc… nhưng chỉ số P/E không có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại.

anh-chup-man-hinh-2023-12-22-luc-010836-912.png
Nguồn: YSVN

Trong khi đó, P/B của nhóm ngành này hiện chỉ ở mức 2,2x lần, thấp hơn mức trung bình 4 năm (2,3x lần). Đây là mức định giá chưa hẳn là “rẻ” nhưng cũng không phải cao.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số giá cổ phiếu ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn đang “outperform” so với chỉ số VN-Index. Nếu tính từ đáy tháng 11/2022, giá cổ phiếu nhóm ngành này đã tăng 46%, trong khi chỉ số VN-Index tăng 23%.

Đáng chú ý, khối ngoại vẫn đang trong xu hướng mua ròng tích cực 1.193 tỷ đồng nhóm này (tính đến giữa tháng 12/2023) trong khi vẫn đang bán ròng trên thị trường. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 19.000 tỷ đồng.

bds-kcn-8157.jpeg
Nguồn: YSVN

Theo các chuyên gia của Yuanta, ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ tiếp tục là “điểm sáng” bởi những yếu tố sau. Thứ nhất, tỷ lệ lấp đầy cao và giá thuê vẫn tăng tích cực. Đối với các khu công nghiệp phía Bắc, tỷ lệ lấp đầy đối với thuê đất là 80,2%.

Bắc Ninh và Hải Phòng là hai tỉnh có nguồn cung khu công nghiệp lớn nhất, giá cho thuê cao, trung bình 131 USD/m2/chu kỳ, tăng 2% so với cùng kỳ quý và 12% so với cùng kỳ năm; cao nhất là ở Hà Nội, nơi nguồn cung khu công nghiệp không còn nhiều. Tại các tỉnh khác giá cho thuê là khá tương đương đồng nhau, ở mức 120 -150 USD/m2/chu kỳ thuê.

bac-4415.jpeg
Nguồn: YSVN

Ở phía Nam, Bình Dương và Đồng Nai là hai tỉnh có nguồn cung khu công nghiệp lớn nhất với tỷ lệ lấp đầy thuê đất cao, trung bình 91%. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An cũng có tiềm năng mới đối với mảng khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đang ở mức trên 80% nhưng nguồn cung đất lại khá hạn chế.

Thứ hai, nguồn cung suy giảm hỗ trợ giá thuê tăng, nhất là phía Nam. Đối với thị trường phía Nam, nguồn cung đất khu công nghiệp giảm mạnh từ năm 2022 và hiện chưa hồi phục như 2020-2021 do nhiều nguyên nhân: Thủ tục giải phóng mặt bằng bị chậm; các tỉnh phía Nam đa phần đều vừa thông qua giai đoạn Quy hoạch 2021-2030 trong năm 2023 nên việc phê duyệt các khu công nghiệp mới/mở rộng đa phần là đến nay mới bắt đầu triển khai tiếp; giá đất hiện tăng cao khiến việc thương lượng giải phóng mặt bằng khó khăn hơn.

nam-8399.jpeg
Nguồn: YSVN

Tuy nhiên, có thể kỳ vọng các thủ tục pháp lý sẽ tiến triển khả quan hơn từ 2024 khi các vấn đề về Quy hoạch từ Chính quyền địa phương đã được thông qua.

Thứ ba, dòng vốn FDI tích cực nhờ các lợi thế ngoài việc ưu đãi thuế. Việt Nam là nước có tăng trưởng thu hút FDI mạnh, là điểm đến trong xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng nhờ nhiều lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, hạ tầng cải thiện nhanh, lực lượng nhân công nhiều, ổn định với tiền lương hợp lý và quy trình thủ tục pháp lý cải thiện nhanh. Quan trọng là không phụ thuộc vào ưu đãi thuế.

Có thể bạn quan tâm