Bất chấp dịch bệnh, ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam

Bất chấp dịch bệnh, lượng xe nhập khẩu trong tháng 3 tăng 18,4% so với tháng 2, dấu hiệu cho thấy thị trường ô tô không thiếu nguồn cung.
Bất chấp dịch bệnh, ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 3, Việt Nam nhập 12.151 ôtô nguyên chiếc, trị giá 224 triệu USD. Trong đó chủ yếu vẫn là xe con (dưới 9 chỗ, chiếm 80,9%) với số lượng 9.831 chiếc, tăng 20% so với tháng trước. Mỗi xe con về nước có giá trị khoảng hơn 16.500 USD, tương đương khoảng 388 triệu đồng.

Hai công xưởng cung cấp xe con chủ yếu cho Việt Nam vẫn là Indonesia (6.418 xe - 65,3%) và Thái Lan (2.733 xe - 27,8%). Hầu hết các mẫu xe nhập khẩu bán chạy đều tới từ đây như Xpander từ Indonesia, Honda CR-V, Ford Ranger từ Thái Lan. 

Các hãng cho biết không thiếu hụt nguồn cung xe nhập khẩu trong tháng 3, để đáp ứng nhu cầu của khách trong các tháng tới. Đây là một chỉ dấu cho thấy, thị trường không thiếu xe, nên khách hàng có thể yên tâm khó xảy ra chuyện làm giá vì khan hàng. Ngược lại, các hãng sẽ phải có nhiều chính sách ưu đãi, nếu muốn đạt kế hoạch bán hàng đã đề ra. 

Bên cạnh xe nhập khẩu, xe lắp ráp cũng không bị gián đoạn nguồn linh, phụ kiện. Trong tháng 3, lượng linh kiện, phụ tùng về nước đạt 310 triệu USD, giảm rất nhẹ so với mức 328 triệu USD của tháng 2. Với nguồn linh kiện sẵn sàng, hãng xe lắp ráp cũng khó để xảy ra tình trạng thiếu cung, dù ngừng sản xuất trong tháng 4. Việc ngừng lắp ráp có thể được giải quyết dễ dàng bằng cách tăng ca khi đi làm trở lại.

Trong tháng 3, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường đạt 19.154 xe, trong đó xe lắp ráp (11.878 chiếc) tăng 2%, riêng xe nhập khẩu (7.276 chiếc) tăng tới 22%. Dù vậy, bởi tháng 2 là tháng sau Tết, hạn chế mua sắm nên mức tăng này không có nhiều ý nghĩa. Vì Covid-19 mà doanh số toàn thị trường tháng 3 đã giảm tới 41% so với cùng kỳ 2019. 

Các chuyên gia dự đoán, dịch bệnh sẽ khiến nhu cầu mua sắm những sản phẩm không phải thiết yếu, ví như ôtô, sẽ giảm đáng kể. Trong khi đó, các hãng lại không bị ảnh hưởng nhiều ngoại trừ logistic trong thời gian ngắn. Bởi vậy, từ giữa đổ về cuối 2020, để có thể bắt kịp kế hoạch bán hàng, các hãng sẽ phải điều chỉnh giá bán giảm hoặc thêm nhiều ưu đãi, khi đó khách hàng sẽ được lợi.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm