Bất động sản khu công nghiệp: Vẫn còn đà tăng

Hút được nguồn vốn mạnh nên thời gian qua, bất động sản khu công nghiệp luôn là điểm sáng trong bức tranh tối màu của ngành bất động sản…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
khu-cong-nghiep.jpg
Tỷ lệ giao dịch về đất công nghiệp tăng khoảng 5,9% so với quý trước

Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Bởi Việt Nam đang có những chính sách ưu tiên thu hút nguồn vốn và hưởng một số lợi ích từ các xu thế của thế giới.

TỶ LỆ LẤP ĐẦY KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN 85%

Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 3/2023, thị trường bất động sản công nghiệp được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới như: VSIP II quy mô 500ha tại Nghệ An; VSIP Cần Thơ quy mô 900ha; VSIP Bắc Ninh II quy mô 282ha, khu công nghiệp Gia Bình II quy mô 250ha tại Bắc Ninh; khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành quy mô 410ha tại Đồng Nai…

Thêm vào đó, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tác động khiến nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp có sự tăng trưởng tích cực trong năm 2023. Trong đó, bất động sản công nghiệp khu vực phía Bắc có lực cầu cao từ lĩnh vực điện tử, đối với khu vực phía Nam là nhóm sản xuất ô tô, may mặc, bao bì.

Theo khảo sát của một số tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhu cầu thuê và công suất cho thuê bất động sản công nghiệp trong quý 3/2023 có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước.

Trong đó, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở khoảng 85% đến 90% đối với cả loại hình đất công nghiệp, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn. Tỷ lệ giao dịch về đất công nghiệp tăng khoảng 5,9% so với quý trước, tính chung 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn 20% so với cả năm 2022.

Giá cho thuê bình quân tại các khu công nghiệp trong quý 3/2023 cơ bản ổn định so với quý 2/2023, hiện, giá thuê đất công nghiệp trung bình tại các thị trường cấp 1 ở miền Nam đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng nhẹ 1% so với quý trước và cao hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường ghi nhận các giao dịch lớn đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản, với đa dạng các ngành công nghiệp như cơ khí, hóa chất, nhựa, cao su, điện tử.

vbf-202212813582o63.jpg
Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục chuyển động tích cực

Còn theo báo cáo thị trường bất động sản vừa công bố của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp trong quý 3/2023 đạt 4,57%, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tại quý 1, 2. Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệP mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Các tỉnh, thành phố chủ động định hướng ngành nghề ưu tiên, phù hợp với lợi thế phát triển của địa phương. Bố trí quỹ đất trong quy hoạch đồng thời nghiên cứu, ban hành các cơ chế thu hút đầu tư và các chính sách mở cửa, mời gọi đầu tư, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong ngành nghề thuộc “tầm ngắm”.

Thị trường bất động sản khu công nghiệp tiếp tục chuyển động tích cực với nhiều lợi thế hấp dẫn làn sóng dịch bất động sản khu công nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và kỳ vọng tăng cường hợp tác từ các hiệp định thương mại cùng hàng loạt hoạt động ngoại giao tích cực.

Sau thời gian dài phải đối mặt với khó khăn do đơn hàng giảm sút, tồn kho tăng cao, khó tiếp cận tín dụng... Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã bắt đầu tăng trở lại. Thúc đẩy bất động sản khu công nghiệp phát triển hơn nữa. Tạo tiền đề phát triển nhiều công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội phát triển bất động sản nhà ở, nhà ở cho thuê.

NHIỀU CHÍNH SÁCH HÚT VỐN

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Không những thế, lượng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục dẫn đầu về tổng vốn đầu tư với hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI cũng đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid - 19 cũng như những căng thẳng địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.

anh-chup-man-hinh-2023-09-29-luc-100238-9419.png

Đáng chú ý, ngày 9/1/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định cụ thể quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của 06 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước.

Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các vùng, địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, các Bộ ngành, địa phương đã và đang triển khai việc xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh.

Đánh giá về động thái trên, tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho rằng, đây là cơ hội lớn để sắp xếp, tổ chức lại không gian phát triển của các vùng kinh tế - xã hội; trên cơ sở đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với một số mục tiêu tổng quát.

mxj1693078951.jpg
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cụ thể, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, mở rộng thị trường; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa. Nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng.

HƯỞNG LỢI TỪ CHÍNH SÁCH TRUNG QUỐC +1

Ngoài những chỉ đạo từ phía chính phủ, sự phát triển của những doanh nghiệp trong nước, Việt Nam cũng đang được hưởng nhiều lợi ích từ xu thế đầu tư của thế giới.

Vấn đề này được ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại một diễn đàn vừa qua. Theo ông Sử sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài hiện nay, xuất phát từ chiến lược Trung Quốc + 1 của nhiều công ty đa quốc gia nhằm chia sẻ rủi ro cho sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp.

Không những thế chiến tranh thương mại, xung đột Nga – Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này dẫn đến nhiều nhà đầu tư đã nhìn nhận lại dòng vốn để tận dụng cơ hội và tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng và khu vực Đông Nam Á nổi lên như một “bệ đỡ” trong sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

khu-cong-nghiep-lon-nhat-mien-bac-2-1280x720.jpg

Rõ ràng xu hướng đầu tư vào Việt Nam là hơn 60% số vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành này thu hút nguồn vốn lớn tập trung vào các khu công nghiệp có hạ tầng sẵn, mặt bằng sạch, khả năng cung cấp năng lượng, xử lý nước thải ổn định, có hạ tầng xã hội tiện ích cho người lao động, đây là một lợi thế rất lớn.
Trong top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Bởi vì có một điểm chung là các nhà đầu tư Đông Bắc Á với Việt Nam là có sự tương đồng về mặt văn hóa. Ngoài ra, khoảng cách địa lý gần nhau cũng có tác động đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư khu vực này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

“Thời gian tới, Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường. Trong 2 năm vừa qua, khi Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo”, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài dự đoán.

Có thể bạn quan tâm