Với chủ đề "Việt Nam - Thế giới của cơ hội" (Vietnam - A World of Opportunities!), Hội nghị BĐS Quốc tế IREC 2018 diễn ra tại Việt Nam trong 3 ngày từ 5-7/9, được xem là đòn bẩy tạo nên sức hút mạnh nguồn vốn ngoại vào thị trường.
Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Là điểm đến hấp dẫn đầu tư, nhu cầu về bất động sản nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng... của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Quá trình đô thị hóa cũng sẽ diễn ra với tốc độ cao (khoảng 1%/năm), dân số đô thị sẽ tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn; thu nhập bình quân đầu người đã vượt ngưỡng 1.000 USD/người… sẽ là những yếu tố để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.
Làm việc với giới chức và nhà đầu tư quốc tế tại IREC 2018, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh bày tỏ mong muốn: “Hội nghị BĐS quốc tế sẽ là một một cầu nối hợp tác đầu tư; kênh cung cấp thông tin về chính sách, về thị trường nhà ở và bất động sản Việt Nam để các bạn dễ dàng tìm kiếm cơ hội đầu tư hơn”.
Bất động sản nghỉ dưỡng trở thành lựa chọn hấp dẫn cho giới đầu tư quốc tế -Ảnh: Novotel Phu Quoc Resort
Lý giải sức hút từ thị trường BĐS mà Việt Nam mang lại, các chuyên gia chỉ ra rằng: chính trị ổn định, kinh tế phát triển bền vững, dân số trẻ, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, thu nhập người dân ngày càng cao, chính sách cởi mở thông thoáng,... là những yếu tố giúp thị trường BĐS Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Du lịch tăng trưởng mạnh - "chìa khóa" của bất động sản nghỉ dưỡng
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO đánh giá: “Việt Nam giàu tiềm năng để trở thành cường quốc du lịch của Thế giới và thị trường bất động sản có nhiều tiềm năng, lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”.
Đầu tháng 1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu: đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu sẽ thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm...
“Từ các số liệu của ngành du lịch Việt Nam năm 2017 và các mục tiêu theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2013, hoạt động du lịch của cả nước chỉ tính đến năm 2017 đã đạt xấp xỉ, thậm chí có những con số như số du khách nội địa đã vượt qua mốc năm 2025. Như vậy, cần phải tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hàng trăm ngàn buồng phòng nữa để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong thời gian tới”, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Mới đây, tại Giải thưởng Du lịch Thế giới, Việt Nam được vinh danh ở hạng mục quan trọng là "Điểm đến hàng đầu Châu Á". Đây là lần đầu tiên, Việt Nam được xướng tên tại hạng mục danh giá này, khẳng định vị thế du lịch của dải đất hình chữ “S” trong khu vực cũng như cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều tiềm năng.
Đại diện các tỉnh thành giàu tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam cũng đã có những cam kết mạnh mẽ tại IREC 2018, đồng thời trải thảm đỏ mời gọi đầu tư trong nước và quốc tế. “Là một cực của tam giác tăng trưởng dịch vụ - du lịch Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, mục tiêu đến năm 2020, Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng đồng bộ, hiện đại”, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội đầu tư tại đặc khu kinh tế tương lai - Vân Đồn (Quảng Ninh), tiêu biểu như: Tập đoàn CEO đang triển khai dự án quy mô mang tầm quốc tế Sonasea Vân Đồn Harbor City, SunGroup đầu tư dự án xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn…
Bên cạnh du lịch biển, thị trường nghỉ dưỡng tại các địa phương sở hữu những thế mạnh về thiên nhiên và văn hóa bản địa đặc sắc cũng được đánh giá sẽ có nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong những năm tới như Cần Thơ, Quảng Bình, Quảng Nam… với nhiều ưu đãi điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hoá, con người.
Đón đầu xu hướng phát triển thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược đầu tư bất động sản ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ông Lê Nhỏ, Phó TGĐ Sunshine Group chia sẻ, Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, sẽ là những định hướng quan trọng, tác động mạnh mẽ đến môi trường bất động sản thông minh - xu thế nóng trong những năm vừa qua. Việc dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào bất động sản, là cơ hội để Việt Nam có thể hiện thực hoá phương châm “đi tắt đón đầu” trước các thành quả do khoa học công nghệ mang lại.
Hiện nay, một số doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra những tham vọng và sự chuẩn bị sẵn sàng để bước lên con tàu 4.0 với việc áp dụng công nghệ vào quản lý và phát triển các dự án quy mô lớn. “Chúng ta cần phải có một chiến lược mang tầm vóc quốc gia, có sự hợp lực theo một hướng đi chung, với cùng một quyết tâm và nỗ lực vượt bậc thì mới có thể đạt được sự thành công như mong đợi”, ông Lê Nhỏ nói.
Dự án của Sunshine Group thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tại hội nghị
IREC 2018 không chỉ mang đến cơ hội hợp tác đầu tư quốc tế mà còn góp phần quảng bá một Việt Nam giàu tiềm năng phát triển bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á, nâng tầm Bất động sản Việt Nam trên bản đồ du lịch nghỉ dưỡng của thế giới.
Trong khuôn khổ Hội nghị IREC 2018 sẽ thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như: Vai trò và tầm quan trọng của thị trường BĐS với sự phát triển kinh tế - xã hội; Các xu hướng phát triển mới của thị trường BĐS hiện nay và trong tương lai; Vai trò của thị trường BĐS trong việc hình thành các thành phố xanh – thông minh – hạnh phúc; Vai trò của quy hoạch đô thị, của cách mạng 4.0 trong phát triển thị trường BĐS; Vấn đề toàn cầu hóa và phát triển bền vững trong BĐS; Vấn đề định vị quốc gia và cơ hội hợp tác đầu tư trong BĐS… |