Sở hữu vĩnh viễn không phải là lựa chọn duy nhất, đặt biệt là đối với những nhà đầu tư
Đây là nhận định của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam tại Hội thảo “Xu thế sở hữu bất động sản: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” do VTV24 và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp cùng đối tác truyền thông BizLIVE tổ chức sáng 16/8 tại TP.HCM.
Theo bà Dung, tâm lý “sở hữu lâu dài” hay còn gọi là “sở hữu vĩnh viễn” đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt. Chính vì vậy, những sản phẩm bất động sản có sở hữu lâu dài luôn được tiêu thụ rất tốt. Tuy nhiên, số lượng bất động sản loại này không đáp ứng đủ nhu cầu của cả người mua để ở và để đầu tư.
“Theo thống kê, Hà Nội có dân số 7,4 triệu người, TP.HCM là 8,6 triệu người, con số thực tế cao còn cao hơn nữa nhưng số căn hộ tương ứng tại Hà Nội chỉ khoảng 267.000 căn và TP.HCM khoảng 260.000 căn. Số lượng nhà phố trong các dự án tại Hà Nội chỉ khoảng 44.000 căn và tại TP.HCM chỉ khoảng 16.000 căn”, bà Dung nêu dẫn chứng.
Chính vì thế, thị trường đã xuất hiện những “sản phẩm thay thế” là các bất động sản sở hữu có thời hạn như căn hộ bán, căn hộ khách sạn condotel, căn hộ dịch vụ, biệt thự nghỉ dưỡng, office-tel và thậm chí là cả nhà phố.
“Người mua đã không còn quá lạ lẫm và e dè với các sản phẩm này”, bà Dung nhận định và lấy minh chứng là dòng căn hộ condotel đã thực sự bùng bổ, tăng rất mạnh trong vòng 5 năm qua. Chỉ tính riêng năm 2018, tại Nha Trang đã có khoảng 16.000 căn, Đà Nẵng hơn 8.000 căn và Phú Quốc gần 2.000 căn. Tất cả đều được tiêu thu rất tốt.
Theo bà Dung, sở hữu vĩnh viễn không phải là lựa chọn duy nhất, đặt biệt là đối với những nhà đầu tư mà bên cạnh đó là các yếu tố về giá, khả năng khai thác cho thuê… Đây là xu hướng dần phổ biến và khi nhìn rộng, ngoài một số nước đan xen cả sở hữu lâu dài và sở hữu có thời hạn như Việt Nam thì có đến hơn 70 quốc gia trên thế giới quy định thời hạn sở hữu đối với căn hộ để bán, không có loại hình nào sở hữu vĩnh viễn cả.
GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Khi soạn thảo Luật Nhà ở 2014, nhiều đại biểu đã đề xuất áp dụng sở hữu có thời hạn với nhà đất chung cư nhưng Quốc hội không đồng ý. “Việc quy định nhà đất chung cư được sở hữu lâu dài khiến việc cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư gặp nhiều khó khăn. Bởi tuổi thọ công trình đã hết, xuống cấp nhưng rất khó thu hồi để cải tạo, xây mới”, ông Võ nói.
Đối với condotel, sự bùng nổ của loại hình bất động sản này gây ra nhiều tranh cãi, trong đó nổi lên 2 vấn đề lớn là việc cam kết lợi nhuận và vấn đề pháp lý. Nhiều chuyên gia khẳng định, đây là một sản phẩm của thị trường và rất cần khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh, giúp cho thị trường phát triển ổn định.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản TP.HCM đưa ra vấn đề: Chúng ta nói đến chuyện pháp lý của condotel là 50 năm nhưng nhà đầu tư condotel sẽ được nhà nước cấp “sổ hồng” 50 năm hay chỉ ký hợp đồng với chủ đầu tư 50 năm? Hiện tại, mỗi địa phương đang vận dụng khác nhau.
“Điều này ảnh hưởng nhiều đến thị trường, tôi đề nghị cần làm rõ việc nhà nước cấp sổ 50 năm cho người mua condotel để bảo hộ quyền tài sản của người dân thay vì được bảo hộ của chủ đầu tư”, ông Hoàng nói.
Một trong những vấn đề cũng được rất nhiều người quan tâm là sau khi hết thời hạn sở hữu, bất động sản sẽ bị thu hồi hay được tiếp tục gia hạn như thế nào? Bà Dương Thùy Dung cho biết: Khung pháp lý để điều chỉnh thời hạn sở hữu của bất động sản mỗi nước áp dụng khác nhau. Như tại Singapore, chủ sở hữu được gia hạn nhưng cũng có những quốc gia như Philippines rất khó để gia hạn.
"Có những quốc gia đưa ra ưu đãi rất rõ đối với sản phẩm có thời hạn để khuyến khích người mua như thuế chuyển nhượng bất động sản đối với sản phẩm có thời hạn thấp hơn vô thời hạn", bà Dung nói.
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn một khoảng trống pháp lý rất lớn đối với loại hình bất động sản sở hữu có thời hạn. Người mua nhà đã cởi mở, chấp nhận đối với các sản phẩm sở hữu có thời hạn nhưng đa phần đều có tâm lý nghĩ rằng sau khi hết thời hạn sở hữu sẽ mặc nhiên được gia hạn.