"Bất động" sau hơn một thập kỷ, dự án Khu du lịch sinh thái Đông Anh có bị thu hồi?

Được phê duyệt từ năm 2007, năm 2009 thì có quyết định thu hồi đất và bàn giao cho Chủ đầu tư là Công ty Mefrime. Tuy nhiên, đến nay, dự án trên vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và phần lớn dự án đang để hoang hóa, lãng phí.
"Bất động" sau hơn một thập kỷ, dự án Khu du lịch sinh thái Đông Anh có bị thu hồi?

Siêu dự án với hàng loạt Quyết định

Khu du lịch sinh thái Đông Anh  tại các xã Vân Nội, Nam Hồng, huyện Đông Anh là một dự án lớn trọng điểm của Huyện Đông Anh được phê duyệt tự năm 2007, đến năm 2016 thì điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay, ngoài nhà hàng Lộc Vừng được xây dựng và hoạt động trên đất dự án thì phần lớn dự án này vẫn bỏ hoang, gây lãng phí lớn về tài nguyên đất đai cũng như hình ảnh du lịch của địa phương.

Cụ thể, năm 2007, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 73/2007/QĐ-UBND, về việc Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu Du lịch sinh thái Đông Anh – Hà Nội, do Công ty Tư vấn Đại học Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng lập tháng 01/2007. 

Dự án được quyết định phê duyệt với mục tiêu, cụ thể hóa Quy hoạch chi tiết huyện Đông Anh (tỷ lệ 1/5000) đã được UBND Thành phố phê duyệt; Xây dựng mô hình du lịch sinh thái với đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị, phù hợp với Quy hoạch chung của Thủ đô và Quy hoạch chi tiết huyện Đông Anh đã được phê duyệt. Phát triển đô thị theo quy hoạch, tạo hệ thống công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí, đóng góp vào việc phát triển đời sống kinh tế - xã hội của địa phương và Thành phố.

Theo quyết định phê duyệt, mục đích của dự án là khai thác sử dụng đất hợp lý, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đóng góp vào bộ mặt đô thị phía Bắc Đầm Vân Trì và đường 23B. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Xây dựng và quy hoạch được duyệt, đảm bảo khớp nối đồng bộ giữa khu vực xây dựng mới và khu vực cải tạo; Bảo đảm an toàn và hoạt động bình thường của các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có trong khu vực (tuyến điện, mương, cống…).

Sơ đồ siêu dự án Khu Du lịch sinh thái Đông Anh

Sơ đồ siêu dự án Khu Du lịch sinh thái Đông Anh

Theo đó, trong khu vực lập Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu Du lịch sinh thái Đông Anh – Hà Nội có tổng diện tích khoảng 779.353 m2.

Theo quyết định phê duyệt dự án nêu rõ, trong quá trình triển khai giai đoạn tiếp theo, phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của UBND Thành phố tại công văn số 572/UB-KH&ĐT ngày 17/02/2005. Làm rõ nguồn gốc, mốc giới, diện tích các khu đất và công trình đã đang sử dụng (kể cả khu nhà ở, khu phong lan…), số hộ tái định cư giải phóng mặt bằng được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận và có giải pháp di chuyển tái định cư giải phóng mặt bằng theo quy định của Thành phố.

Đến năm 2009, UBND TP Hà Nội  ban hành Quyết định số 2289/QĐ- UBND ngày 15/5/2009, về việc thu hồi 651.828m2 đất tại xã Nam Hồng và xã Vân Nội, huyện Đông Anh giao cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex để đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Đông Anh - Hà Nội hướng dẫn chi tiết.

Tại Điều 5 Quyết định số 2289/QĐ-UBND cũng nêu: “UBND huyện Đông Anh có trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất của Công ty theo các nội dung tại Điều 1,2 Quyết định này. Việc xây dựng công trình của Công ty Mefrimex chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tại Khoản 1,2,3,4,5,6 Điều 4 Quyết định này, kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý theo thẩm quyền”.

Đến ngày 30/11/2012, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội đã tiến hành bàn giao mốc giới chính thức ngoài thực địa cho Công ty Mefrimex với diện tích là 402.295m2 trong tổng số diện tích gần 52ha đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong chỉ giới thu hồi.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, giám sát việc đầu tư của Chủ dự án phát hiện một số công trình không phù hợp với quy hoạch chi tiết đã phê duyệt, không có giấy phép, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Quyết định xử phạt số 3868/QĐ- XPVPHC ngày 04/11/2015.

Quyết định số 2217/QĐ-UBND phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái Đông Anh

Quyết định số 2217/QĐ-UBND phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái Đông Anh

Bất ngờ, sau đó, ngày 9/5/2016 UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 2217/QĐ-UBND phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch sinh thái Đông Anh, tại các xã Vân Nội, Nam Hồng, huyện Đông Anh.

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khớp nối đồng bộ giữa khu vực đã xây dựng và khu vực dự kiến điều chỉnh. Khu đất điều chỉnh quy hoạch gồm các chức năng chính: Khu du lịch sinh thái, đất ở, đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khu vực (giữ nguyên theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt). UBND TP yêu cầu, thời gian lập quy hoạch không quá 6 tháng kể từ khi Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết được duyệt. Quyết địn điều chỉnh nêu rõ.

Sau đó, ngày 14/10/2016, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 5736/QĐ- UBND về việc điều chỉnh diện tích đất thu hồi ghi tại Quyết định số 2289/QĐ- UBND ngày 15/5/2009 của UBND Thành phố Hà Nội (điều chỉnh diện tích đất thu hồi thực hiện dự án từ 651.828m2 thành 645.486m2).

Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch khoảng 87ha, quy mô dân số khoảng 2.890 người. Quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy định chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị N7; GN được duyệt, đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất giữa dự án và tuyến đường liên khu vực sau khi được dịch chuyển lên phía Bắc.

Có bị thu hồi?

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, sau một loạt điều chỉnh, đến thời điểm hiện tại ngoài nhà hàng Lộc Vừng được xây dựng và kinh doanh trên đất của dự án thì dự án vẫn chưa triển khai các hạng mục xây dựng xứng tầm một dự án du lịch sinh thái trọng điểm của Huyện Đông Anh.

Nhà hàng Lộc Vừng bên trong Dự án khu du lịch sinh thái Đông Anh

Nhà hàng Lộc Vừng bên trong Dự án khu du lịch sinh thái Đông Anh

Dự án khu du lịch sinh thái Đông Anh là một siêu dự án nhưng xung quanh dự án không hề có, mà là các biển quảng cáo của nhà hàng Lộc Vừng.

Ngoài ra, theo thông tin phóng viên thu thập được, hiện nay, dự án vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật, mặc dù dự án được phê duyệt từ năm 2007 và có quyết định thu hồi đất từ năm 2009. Liệu dự án trên có thoát diện thu hồi của TP.Hà Nội?

Mefrimex đại gia bất động sản kín tiếng

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Mefrimex được thành lập và đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 5/2007 có trụ sở chính tại B7 Giảng Võ, phố Trần Huy Liệu (Hà Nội), lĩnh vực kinh doanh chính là đóng tàu, tư vấn thiết kế, giám sát công trình, lưu trú, vận tải, xây dựng, kinh doanh BĐS…

Mefrimex có vốn điều lệ 800 tỉ đồng, được thành lập bởi 3 cổ đông sáng lập: Ông Dương Văn Nguyên - Chủ tịch HĐQT, đồng thời cũng là người đại diện pháp luật sở hữu 49,4%; bà Phạm Thị Đức (vợ ông Dương Văn Nguyên) sở hữu 20,32% và ông Ông Văn Kỳ sở hữu 5,95%.

Tuy nhiên, theo thông tin trên đăng ký kinh doanh, thời điểm hiện tại, người đại diện theo pháp luật của Công ty Mefrimex là bà Dương Thị Thu Hà.

Mefrimex lại là một đại gia bất động sản đã và đang triển khai đầu tư nhiều dự án, chủ yếu ở Long Biên và Đông Anh.

Năm 2015 báo chí cũng đã phản ánh vụ việc kiện cáo của Mefrimex với Tổng Cty 36 liên quan đến việc hợp tác đầu tư và chuyển nhượng dự án chung cư B6 Giảng Võ (Ba Đình, HN).

Đối với Khu du lịch sinh thái Đông Anh, khu đất này có ranh giới giáp với xã Vân Nội ở phía Đông, các phía còn lại giáp với các tuyến đường quy hoạch 17m, 30m và 40m. Diện tích đồ án nghiên cứu 87ha, dân số dự kiến 2.890 người.

Bên cạnh khu du lịch sinh thái Đông Anh, hiện đại gia này còn đầu tư nhiều dự án khác. Đơn cử như Dự án khu công viên giải trí, sinh thái tại phường Thạch Bàn, Cư Khôi, quận Long Biên 202,55ha, B7 Giảng Võ diện tích 2.237,5m2, công trình cao 16 - 19 tầng, trong đó 4 tầng hầm để xe, tổng diện tích sàn 25.071m2.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…