Xây mới hạ tầng KCN: Danh mục đầu tư hấp dẫn
Quỹ đất các KCN hiện nay đang cạn nhanh chóng, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đang triển khai nhiều nỗ lực nhằm quy hoạch thêm quỹ đất KCN mới, đưa ra các mô hình thu hút đầu tư dự án mang quy mô lớn, hiện đại và bền vững.
Trước triển vọng tích cực về bất động sản công nghiệp, với chính sách ưu đãi từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp cao su có quỹ đất lớn đã chuyển hướng đất trồng cao su thành đất khu công nghiệp. Theo đó, bên cạnh những nguồn đất được quy hoạch nhỏ hơn tại các tỉnh, đất trồng cao su đang trở thành danh mục đầu tư hấp dẫn cho thị trường bất động sản khu công nghiệp.
Hiện nay, các nhà đầu tư liên tục tăng cường mở rộng xây dựng các KCN mới, và đưa ra các kế hoạch đầu tư dài hạn hơn nhằm đón đầu xu hướng chuyển đổi khu vực này.
Đầu tư hạ tầng KCN đang ở thời kỳ “ăn nên làm ra” và đó cũng là lý do các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có kết quả kinh doanh khả quan trong thời gian gần đây.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang Lasalle nhận định: “Giá thuê đất KCN sẽ tiếp tục tăng, do nhu cầu đang tăng cao hơn so với khả năng cung cấp, nhiều KCN vẫn đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng”.
Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương và Bắc Giang – tiềm năng tăng trưởng về thị trường cho thuê bất động sản KCN trong năm 2020
Theo báo cáo của CBRE, tiềm năng tăng trưởng của các khu công nghiệp tại các tỉnh giáp ranh những vùng tam giác kinh tế hiện tại như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh ở phía Bắc và Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu ở phía Nam sẽ phát triển bùng nổ trong 1, 2 năm tới, với lợi thế quỹ đất còn dồi dào tại các tỉnh này (tỷ lệ lấp đầy năm 2019 chỉ 76% ở miền Bắc và 58% ở miền Nam, thấp hơn so với tỷ lệ 91% ở miền Bắc và 83% ở miền Nam của các tỉnh thuộc vùng tam giác kinh tế).
Giá thuê đất ở các tỉnh xa vùng kinh tế chỉ khoảng 50-150 USD/m2/kỳ thuê, thấp hơn so với mức giá 60-300 USD/m2/kỳ thuê ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế. Các tỉnh xa vùng kinh tế mà có cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt là hệ thống cảng và đường cao tốc, sẽ có tốc độ tăng trưởng cho thuê KCN tốt hơn các tỉnh xa vùng kinh tế khác và các tỉnh thuộc vùng kinh tế.
Theo dữ liệu từ Savills vào 6 tháng cuối năm 2019, giá thuê đất KCN tại Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu thấp hơn 60 USD/m2/kỳ thuê, trong khi đó giá thuê đất KCN tại các tỉnh miền Bắc là Hải Dương và Vĩnh Phúc thấp hơn 70 USD/m2/kỳ thuê. Các chỉ số trên cho thấy tiềm năng lớn đối với các công ty phát triển KCN có sở hữu quỹ đất tại các tỉnh này cạnh tranh dựa trên mức giá so với các tỉnh thuộc tam giác kinh tế.
Các tỉnh giáp ranh tam giác kinh tế, với lợi thế có quỹ đất lớn, giá cho thuê đất thấp, cơ sở hạ tầng tốt, nằm trên trục thông thương kết nối với các tỉnh thuộc tam giác kinh tế, kết nối với cảng và đường cao tốc có thể đạt được sự tăng trưởng mạnh hơn về giá và diện tích cho thuê vào năm 2020.
Bà Rịa – Vũng Tàu, với tỷ lệ lấp đầy ở mức 73% và giá cho thuê KCN thấp nhất tại miền Nam,với mức giá 58 USD/m2/ kỳ thuê sẽ trở thành điểm sáng về bất động sản KCN trong giai đoạn 2020-2021 nhờ vào hệ thống cao tốc và cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Ở khu vực miền Bắc, bất động sản công nghiệp ở Hải Dương và Bắc Giang với cơ sở hạ tầng tốt đặc biệt là đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và Hải Dương – Quảng Ninh và có thể kết nối với cụm cảng Hải Phòng, cũng sẽ đạt được tăng trưởng tốt về giá và diện tích đất KCN cho thuê trong năm 2020.
Ông Alex Crane, giám đốc điều hành Cushman&Wakefield Việt Nam cho biết: “Hiện nay thị trường BĐS công nghiệp đang phát triển khá mạnh, không còn bó hẹp ở các tỉnh có lợi thế về cảng biển, cảng hàng không, hay cạnh trung tâm các thành phố lớn, mà đã lan tỏa ra các tỉnh, thành phố có ít lợi thế hơn và xa hơn, nhưng đổi lại giá thuê đất, nhân công rẻ và hạ tầng giao thông kết nối ổn định như Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Dương…”
Hàng loạt ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế
Theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là dự án đầu tư sử dụng đất thuộc khu công nghiệp để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cho các nhà đầu tư thuê, thuê lại để xây dựng nhà xưởng, tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo Hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 43 hướng dẫn quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp có dự án đầu tư trong KCN, khu kinh tế được khấu trừ thuế đối với các hạng mục chi phí xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ cho đời sống công nhân làm việc tại khu công nghiệp. Cụ thể như sau:
Đối với giá trị tài sản cố định: Được tính vào giá trị công trình và trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng điều kiện là tài sản cố định theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Đối với chi phí (trừ trường hợp nêu trên): Được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thông tư nêu rõ, ưu đãi về các khoản chi phí đầu tư xây dựng, vận hành đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/8/2019.