Cá bé TDM nuốt cá lớn Biwase
Mới đây, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC đã có thông báo quyết định thoái bớt vốn tại CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase - BWE). Theo công văn số 3019/UBNN-KTTH ngày 09/7/2017 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Becamex IDC sẽ thực hiện thoái vốn và giảm tỷ lệ sở hữu tại Biwase xuống còn 41% từ mức sở hữu 51% trước đây. Theo đó, Becamex IDC sẽ bán ra 15 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn BWE.
Ngay sau thông báo này, HĐQT CTCP Nước Thủ Dầu Một (UpCom: TDM) cũng công bố quyết định mua 5,25 triệu cổ phần Biwase trong đợt thoái vốn của Becamex IDC và nâng tỷ lệ sở hữu lên 57,75 triệu cổ phiếu, tương đương 38,5% vốn cổ phần của Biwase. Trước đó, vào ngày 17/8/2017, Hội đồng quản trị Biwase đã họp và thống nhất thứ tự ưu tiên hàng đầu trong đợt thoái vốn này của dành cho cổ đông chiến lược là TDM.
Không chỉ có Becamex, một cổ đông khác là Công ty TNHH Đại Phú Thịnh cũng đăng ký bán đi toàn bộ 1,01 triệu cổ phiếu BWE theo hình thức thỏa thuận từ 10/9 đến 30/9/3017. Các cổ đông nội bộ của Biwase cũng đăng ký mua vào cả triệu cổ phiếu. Tất cả các giao dịch trên đều được đăng ký cùng ngày 13/09/2017.
Trong khi đó, kể từ khi cổ phiếu BWE lên sàn ngày 20/7, đã có nhiều giao dịch thỏa thuận có giá trị lớn diễn ra và cổ phiếu này liên tục tăng trần trong nhiều phiên sau đó. Giới đầu tư đặt giả định rằng, không loại trừ khả năng TDM đang cùng các bên liên quan thu gom và sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại Biwase trong thời gian tới, tức cao hơn mức danh nghĩa 38,5% mà TDM công bố.
Điều này rất có cơ sở bởi trên BCTC của TDM thường có những khoản ủy thác thu mua cổ phần với các cổ đông nội bộ và các công ty khác. Hiện công ty này vẫn đang còn treo 200.000 cổ phiếu (25% vốn) của CTCP Tư vấn cấp thoát nước – Môi trường ủy thác cho bà Dương Anh Thư nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi tên sở hữu. Bên cạnh đó là khoản mua cổ phiếu DNW ủy thác cho các cổ đông liên quan
Bên cạnh đó, TDM lại chuẩn bị cho một đợt tăng vốn mới, kế hoạch lần này là phát hành thêm 19,5 triệu cổ phiếu mới, tương đương 30% vốn điều lệ huy động số vốn 375,5 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau phát hành sẽ tăng lên 845 tỷ đồng. Mục đích để đầu tư, mở rộng nâng công suất các nhà máy hiện hữu và các dự án trong tương lai của Công. Phải chăng, TDM đang chuẩn bị một nguồn vốn cho đợt thâu tóm còn lại để biến Biwase thành công ty con?
Kịch bản đã được dựng sẵn?
Câu chuyện TDM thâu tóm Biwase không có gì đáng nói nếu như nó diễn ra giữa hai DN ‘ngang cơ’ hoặc công ty lớn thâu tóm DN nhỏ hơn. Trong trường hợp này, TDM là công ty mới ra đời chưa lâu nhưng đang có dã tâm thâu tóm một DN lâu đời có vốn chủ sở hữu gấp 7,5 lần. Điều này khiến nhiều người đặt ra dấu hỏi, TDM là ai?
TDM được thành lập năm 2013 với ngành nghề chính là kinh doanh nước sạch. 4 cổ đông sáng lập gồm Biwase góp 26%, Công ty TNHH Thương mại N.T.P 15%; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật D&B góp 15%; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quỳnh Phúc góp 22% trong tổng số vốn điều lệ 200 tỷ đồng của TDM. Chủ tịch HĐQT TDM khi đó là ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Biwase.
Cuối năm 2014, TDM đã hoàn tất xây dựng Dự án cấp nước Nam Thủ Dầu Một mở rộng Công suất 45.000 m3/ngày đêm để nâng tổng công suất lên khoảng 100.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, TDM cũng đang triển khai thực hiện dự án đầu tư Nhà Máy Nước Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của TDM phải nói là rất suôn sẻ với việc ký hợp đồng cung cấp nước sạch qua đồng hồ tổng cho khách hàng duy nhất là Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase) nên đầu ra và giá bán ổn định. TDM vì thế không tốn một đồng nào chi cho hoạt động bán hàng.
Không chỉ có vậy, TDM là doanh nghiệp có mức biên lãi gộp lớn hàng đầu trong nhóm cổ phiếu cấp nước hiện nay. Con số biên lãi gộp của TDM trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm nay lên đến 67%. Mức biên lãi gộp cao đồng nghĩa với việc chi phí của TDM là thấp nhất trên thị trường, đây là chỉ báo về năng lực cạnh tranh rất tốt cho bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, khi so sánh với một số DN khác, thật khó để một DN sinh sau đẻ muộn như TDM lại có giá vốn thấp hơn nhiều như vậy. Thay vào đó, có vẻ như mức giá mà Biwase mua nước từ TDM là rất “ưu ái”.
Không chỉ ưu ái trong kinh doanh, câu chuyện TDM trở thành cổ đông chiến lược khi Biwase cổ phần hóa năm 2016 đã dấy lên nhiều nghi vấn về mối quan hệ này. Bởi Biwase trước đó là cổ đông sáng lập TDM. Nhưng trước khi cổ phần hóa, Biwase đã thoái vốn khỏi TDM, điều này giúp TDM thỏa mãn điều kiện trở thành cổ đông chiến lược theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP. Giới phân tích đã đặt ra nghi vấn rằng, đó có thể là hoạt động nhằm lách luật? Khi đó, TDM xem như “người được chọn” để trở thành nhà đầu tư chiến lược vào Biwase?
Mặc dù IPO Biwase thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư nhưng TDM chỉ phải trả một cái giá rất hời (thấp hơn so với giá đấu IPO 7,3%) cũng là một vấn đề gây xôn xao dư luận. Dấu hỏi về cổ phần hóa Biwase có gây thất thoát tài sản nhà nước không vẫn chưa được trả lời.
Biwase – 1 trong 3 doanh nghiệp đứng đầu toàn quốc về công suất cấp nước với 383.000m3/ngày đêm và hầu như không có sự cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành nghề tại Bình Dương có vốn chủ sở hữu hơn 3.000 tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ bị TDM - một DN chỉ có vài tuổi đời với vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2017 chưa đầy 400 tỷ thâu tóm.
Không những vậy, TDM và Biwase đang là 2 cổ đông lớn tại một ‘ông lớn’ cấp nước khác tại Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai (Dowaco). Kịch bản về một Biwase khác khi cổ đông Nhà nước là Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) thoái vốn khỏi Dowaco không phải là không có cơ sở.
Theo Huy Nguyên/ Trí Thức Trẻ
>> Becamex IJC chi gần 110 tỷ đồng trả cổ tức năm 2016