Biên độ mất giá của đồng VND có thể lên đến 3% trong nửa đầu năm 2024

Với kỳ vọng đồng USD vẫn có thể duy trì đà tăng trong thời gian tới, các chuyên gia VDSC dự báo biên độ mất giá của đồng VND có thể nới rộng lên mức 3% trong nửa đầu năm 2024...

Biên độ mất giá của đồng VND có thể lên đến 3% trong nửa đầu năm 2024

Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã công bố báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ. Theo VDSC thống kê, lãi suất liên ngân hàng đã giảm trở lại trong tháng 3/2024. Lãi suất cho vay qua đêm bình quân từ đầu tháng 3 đến nay là 0,92%/năm, thấp hơn mức trung bình 2,33%/năm trong tháng trước.

Diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhìn chung là theo xu hướng giảm suốt cả tháng, đến ngày 22/3, lãi suất cho vay qua đêm là 0,13%/năm, giảm 1,33 điểm phần trăm so với đầu tháng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt là 0,49%/năm và 1,19%/năm, tương ứng giảm 1,22 điểm phần trăm và 0,53 điểm phần trăm so với đầu tháng.

Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng giảm mạnh chỉ còn 1,61%/năm, giảm 0,92 điểm phần trăm so với đầu tháng. Trong khi đó, biến động của lãi suất các kỳ hạn dài hơn 3 - 6 tháng trong tháng qua là không đáng kể. Quy mô giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 3 cũng giảm mạnh so với tháng trước, đạt trung bình 265 nghìn tỷ đồng, giảm 27,4 điểm phần trăm so với tháng trước.

Từ ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hút tiền trên thị trường mở thông qua kênh tín phiếu. Quy mô phát hành tín phiếu tính đến ngày 26/3 là khoảng 155,6 nghìn tỷ đồng. Tất cả các tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đang lưu hành đều có kỳ hạn 28 ngày, lãi suất bình quân là 1,5%/năm.

Đa số các phiên chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đều có sự tham gia khá đông đảo của các ngân hàng thương mại, bình quân số thành viên tham gia khoảng 12 thành viên. Trong hai phiên phát hành cuối tuần trước, số thành viên tham gia/trúng thầu đã giảm chỉ còn khoảng 6-7 thành viên, lãi suất tín phiếu cũng tăng lên khoảng 1,7%/năm.

Phiên ngày 26/3, Ngân hàng Nhà nước chỉ phát hành 3,7 nghìn tỷ đồng cho 3 thành viên với lãi suất trúng thầu là 1,9%/năm. Điều này phát tín hiệu rằng quy mô của đợt hút ròng hiện tại có thể sớm đạt đến mức đỉnh điểm.

Điểm đáng lưu ý là dù Ngân hàng Nhà nước hút ròng liên tục nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang ở mức rất thấp. Như vậy, sang tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần phải tiếp tục duy trì số dư của kênh tín phiếu nhằm hạn chế việc tiền quay trở lại hệ thống trong bối cảnh thanh khoản vẫn còn khá dư thừa.

ty1-5688.png

Theo số liệu từ VDSC, trong quý 1/2024, đồng VND đã mất giá khoảng 2,1% trên thị trường chính thức khi đồng USD neo ở mức cao. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND bình quân đang dần tiệm cận mức đỉnh cũ 24.867 USD/VND vào tháng 11/2023.

"Với kỳ vọng đồng USD vẫn có thể duy trì đà tăng trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng biên độ mất giá của đồng VND có thể nới rộng lên mức 3% trong nửa đầu năm 2024", các chuyên gia VDSC dự báo.

Nhóm phân tích từ VDSC đánh giá, mức mất giá này phù hợp với kỳ vọng vào đầu năm, tuy nhiên quan điểm đồng VND có thể tăng giá trở lại vào cuối năm cần được xem xét thận trọng hơn bởi lộ trình giảm lãi suất của Fed và kỳ vọng liên quan đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới đang tiếp tục ủng hộ cho xu hướng đồng USD mạnh.

Nhìn lại quý đầu năm, VDSC nhận thấy khá nhiều yếu tố hỗ trợ cho sức mạnh của đồng USD. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự xoay chuyển kỳ vọng của thị trường đối với triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2024 trên cơ sở số liệu kinh tế Mỹ vẫn tích cực và lạm phát sẽ không nhanh chóng giảm về mức mục tiêu 2%.

Thứ hai là sự chuyển dịch trong chính sách của các ngân hàng trung ương khác đang tạo thêm động lực tăng giá cho đồng USD. Cụ thể, việc thay đổi chính sách lãi suất âm của ngân hàng trung ương Nhật Bản đã không mang lại nhiều sự hỗ trợ tích cực đồng Yên, đồng Yên tiếp tục mất giá với vai trò tỷ trọng chỉ cao thứ hai sau đồng EURO trong cơ cấu rổ tiền tệ tính chỉ số DXY.

Mới đây, ngân hàng trung ương Thuỵ Sĩ là quốc gia phát triển đầu tiên cắt giảm lãi suất, đồng Franc Thuỵ Sĩ cũng chiếm tỷ lệ 3,6% trong chỉ số DXY. Từ đầu năm đến nay, chỉ số DXY đã tăng khoảng 2,8% lên mức 104,4. Với kỳ vọng ngân hàng trung ương Anh có thể sẽ giảm lãi suất điều hành sớm hơn Fed, nhiều nhà phân tích nhận định chỉ số DXY có thể sẽ kiểm định lại mức đỉnh cũ (105-106) được thiết lập vào tháng 11/2023 sau đó giảm trở lại khi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed được hiện thực hoá.

Xem thêm

Gần 4,29 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam

Gần 4,29 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam

2 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ. Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 1,94 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký cấp mới...

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...