Những “tay to” ngoại quốc đang sở hữu trên 1% vốn tại ngân hàng Việt

Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ tiếp tục được các ngân hàng cập nhật theo yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng. Ngoài tổ chức, cá nhân trong nước, nhiều ngân hàng có sự xuất hiện của các cổ đông ngoại...

bank.png

Theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, các ngân hàng phải công khai thông tin các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cùng người có liên quan, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Điều này giúp thị trường có cơ hội tiếp cận đầy đủ cơ cấu sở hữu tại các nhà băng, kể cả với cổ đông chiến lược nước ngoài.

NHIỀU CỔ ĐÔNG NGOẠI TẠI CÁC NGÂN HÀNG VIỆT

Theo danh sách cập nhật mới nhất, ngân hàng MB ghi nhận thêm hai cổ đông ngoại là J.P.Morgan Securities và Nordea 1, SICAV sở hữu tổng cộng 133 triệu cổ phiếu, tương đương 2,53% vốn điều lệ của MB.

Trong đó, J.P.Morgan Securities sở hữu 79,4 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 1,5% vốn điều lệ và không có người liên quan sở hữu cổ phiếu MBB. Còn Nordea 1, SICAV nắm giữ 54,2 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng với 1,03% vốn ngân hàng. Người liên quan của quỹ này cũng không sở hữu bất cứ cổ phiếu MBB nào. Trước đó, trong thông báo ngày 16/7, quỹ ngoại đến từ Hà Lan là Pyn Elite Fund đang nắm giữ 1,63% vốn của ngân hàng này.

Ngân hàng VIB cũng vừa công khai danh sách cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ. Hiện VIB có 18 cổ đông nắm hơn 72% vốn điều lệ. Trong đó, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Commonwealth Bank là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 19,8% vốn.

Tại ngân hàng ABBank, trong 3 cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược Maybank đang sở hữu gần 170 triệu cổ phiếu ABB, tương đương hơn 16% vốn điều lệ ngân hàng và là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất.

Bên cạnh các cổ đông tổ chức trong nước, ngân hàng OCB công bố cổ đông nước ngoài Aozora Bank, Ltd nắm 15% vốn điều lệ; tiếp theo là Portal Global Limited và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) lần lượt sở hữu 3,03% và 2,42% vốn. Như vậy, tổng sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư ngoại đang chiếm 20,45% vốn của OCB.

Tại ngân hàng MSB, ông Nilesh Ratilal Banglorewala là cá nhân duy nhất nắm trên 1% vốn là người nước ngoài với tỷ lệ cổ phần tương đương 3,32% vốn điều lệ. Ông Nilesh Ratilal Banglorewala sinh năm 1965, từng giữ chức Giám đốc khối Quản lý Tài chính tại MSB.

Ba tổ chức ngoại tại ngân hàng ACB là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited, với tỷ lệ sở hữu là hơn 6% vốn điều lệ.

Tại HDBank, Baillie Gifford Pacific Fund đang sở hữu 2,19% vốn; Pyn Elite Fund đang nắm giữ 2,2% vốn HDBank. Bên cạnh đó, trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ HDBank còn có Sovico Holdings sở hữu 417,7 triệu cổ phiếu HDB, tương đương 14,27% vốn và là cổ đông duy nhất nắm trên 5% cổ phần của nhà băng này.

Tại ngân hàng VPBank, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông chiến lược của VPBank, nắm gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ. Ngoài ra còn có hai quỹ đầu tư ngoại là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt nắm 216,6 triệu cổ phiếu và 101 triệu cổ phiếu VPBank, tương ứng 2,73% và 1,28% vốn ngân hàng này.

Tại VietinBank, MUFG Bank nắm 19,73% vốn, quỹ GIC giữ 1,67% vốn và cổ đông chiến lược Mizuho Bank nắm giữ 15% vốn.

NGỪNG CẤP TÍN DỤNG CHO CỔ ĐÔNG SỞ HỮU VƯỢT TRẦN QUY ĐỊNH

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dự thảo thông tư được xây dựng do Luật Các tổ chức tín dụng 2024 2024 đã có thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan, thay đổi cách xác định người có liên quan, sở hữu cổ phần gián tiếp. Đồng thời, việc quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định trước đó còn nhiều vướng mắc cần xử lý.

Cụ thể, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.

Đồng thời, cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

Theo đó, dự thảo thông tư yêu cầu ngân hàng thương mại phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ phù hợp với phương án cơ cấu lại hoặc được phê duyệt của cấp có thẩm quyền của cổ đông và người có liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng sẽ phải rà soát danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ. Thời điểm chốt số liệu là đến hết ngày 30/6/2024.

Lộ trình tuân thủ của ngân hàng thương mại phải có tối thiểu các nội dung như danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan, bao gồm đầy đủ thông tin, giấy tờ pháp lý, số lượng cổ phiếu …; biện pháp áp dụng để giảm tỷ lệ, các mốc thời gian và cam kết thực hiện của ngân hàng.

Cùng với đó, dự thảo cũng nêu rõ ngân hàng phải gửi lộ trình tuân thủ đến Ngân hàng Nhà nước qua cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày thông tư mới có hiệu lực thi hành.

Trường hợp để đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ yêu cầu ngân hàng chỉnh sửa, hoàn thiện lộ trình tuân thủ. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, ngân hàng thương mại phải chỉnh sửa, hoàn thiện và gửi lộ trình tuân thủ đến Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo dự thảo, ngân hàng và tổ chức, cá nhân liên quan tại lộ trình tuân thủ có trách nhiệm thực hiện lộ trình tuân thủ đã gửi Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian thực hiện lộ trình tuân thủ, trường hợp cần thiết, ngân hàng phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan điều chỉnh biện pháp áp dụng và lộ trình thực hiện nhưng phải đảm bảo thời hạn lộ trình tuân thủ.

Cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định, trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu, thông tư cho biết thêm.

Thêm nữa, kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của các cổ đông đó.

Ngoài ra, cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Trường hợp ngân hàng thương mại, cổ đông, cổ đông và người có liên quan không thực hiện đúng theo lộ trình tuân thủ, tùy theo tính chất, mức độ, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem thêm

GELEX được chấp thuận mua cổ phần Eximbank

GELEX được chấp thuận mua cổ phần Eximbank

GELEX sẽ được mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm 2024...

Có thể bạn quan tâm

Ngân hàng SHB giữ lãi suất tiết kiệm ổn định trong tháng 1/2025

Ngân hàng SHB giữ lãi suất tiết kiệm ổn định trong tháng 1/2025

Khảo sát tại ngân hàng SHB đầu tháng 1/2025, khung lãi suất tiết kiệm tại quầy và trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân của ngân hàng này được duy trì ổn định tại các kỳ hạn. Theo đó, 6,1%/năm là mức lãi suất cao nhất ghi nhận được tại ngân hàng này…