Tình hình Triều Tiên hiện nay được các chuyên gia đánh giá là khá tương đồng với nền kinh tế Việt Nam thời kỳ 1986 ngay trước khi đổi mới thị trường. Tuy nhiên, Triều Tiên có những ưu thế hơn do có tiềm lực kinh tế cũng như cơ sở công nghiệp tốt hơn Việt Nam nếu so sánh với thời kỳ trước khi mở cửa thị trường.
Hiện Việt Nam đang thu hút nhiều nhà sản xuất trên thế giới và có GDP cao gấp 6 lần so với Triều Tiên. Năm 2017, Việt Nam tăng trưởng 6,8%, mức tăng kỷ lục trong 10 năm qua và tập đoàn Samsung đóng góp khá nhiều cho thành tích này.
So sánh nền kinh tế Triều Tiên năm 2016 với Việt Nam năm 1986
Số liệu cho thấy Samsung Electronics là hãng đầu tư nước ngoài lớn nhất tại đây, chiếm ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, Triều Tiên vẫn đang chỉ là một nền kinh tế đóng cửa với thế giới.
Bất chấp điều đó, Bloomberg nhận định Samsung khá sẵn sàng tái cơ cấu địa điểm sản xuất của mình. Số liệu từ Kaesong Industrial Complex của Triều Tiên cho thấy chi phí nhân công tại đây rẻ hơn so với Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã có những động thái vô cùng tích cực với hòa bình thế giới. Đặc biệt, việc đồng ý hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là "một khoảnh khắc để đời cho hòa bình thế giới" theo lời ông chủ Nhà Trắng.
Hiện đầu tư nước ngoài chiếm đến 26% GDP của Việt Nam và nếu Triều Tiên thu hút được các dòng vốn quốc tế từ mức 0% hiện nay lên 20% GDP thì hãng Morgan Stanleu ước tính nền kinh tế này có thế tăng trưởng tới 5%.
Chi phí nhân công của Triều Tiên thấp hơn Việt Nam (USD/giờ)
Các chuyên gia nhận định với 20% GDP, tương đương khoảng 6 tỷ USD nếu dựa theo mức 31 tỷ USD GDP năm 2016 của Triều Tiên, phía Hàn Quốc mà đặc biệt là hãng Samsung hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này. Trong vài năm qua, Samsung đã chi hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam.
Dẫu vậy, phía Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định. Khoảng 70% dân số Việt Nam hiện nay đang trong độ tuổi lao động trong khi phía Triều Tiên chỉ là 44%. Nhiều dự đoán cho thấy số người trong độ tuổi lao động tại Triều Tiên sẽ đạt đỉnh vào năm 2020 nhưng với Việt Nam là đến tận năm 2040 trước khi đi xuống.
Tuy nhiên, nếu tính dân số của cả Hàn Quốc thì bán đảo Triều Tiên lại có tới 80 triệu lao động và con số này hoàn toàn đủ cho các hoạt động sản xuất hay tiêu dùng của các tập đoàn.
Tỷ lệ ROE của Hàn Quốc (xanh) với các thị trường khác tại Châu Á Thái Bình Dương trừ Nhật Bản (đen)
Những động thái tích cực trên bán đảo Triều Tiên đang thúc đẩy tinh thần của các nhà đầu tư. Kể từ tháng 1/2018 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 17 tỷ USD trái phiếu chính phủ Hàn Quốc, trong khi thị trường chứng khoán nước này cũng tăng điểm đáng kể.
Bất chấp những điều đó, các chuyên gia vẫn phải chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán cũng như những động thái thêm của Triều Tiên trước khi tính đến những khả năng xa xôi khác. Cho đến khi đó, Việt Nam vẫn là thị trường ưa thích số 1 của Samsung tại Châu Á.
Theo AB/Thời đại