Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an soạn thảo có đề xuất về điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đó là có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.
Theo quy định hiện hành, chỉ có xe ô tô kinh doanh vận tải mới bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, chỉ có xe chở hành khách hoặc xe chở hàng hóa hạng nặng (xe đầu kéo, xe container) mới bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát.
Với đề xuất của Bộ Công an, nếu dự thảo được thông qua thì trong thời gian tới không chỉ xe ô tô kinh doanh vận tải và cả ô tô cá nhân cũng bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình. Trong đó, sẽ có thêm gần 4 triệu ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát hành trình, so với con số hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, đề xuất đang có tác động lớn đến người dân. Do đó, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất, cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng cần có khảo sát, thí điểm quy trình quản lý để đảm bảo khả thi.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an cho biết sẽ quy định rõ về việc sử dụng dữ liệu từ camera giám sát hành trình. Theo đó, dữ liệu này chỉ được sử dụng nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và công tác khác để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống buôn lậu, thuế.
Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 tháng 5/2024. Khi đó, nếu quy định trên được giữ nguyên, ô tô cá nhân cũng sẽ bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.