Bộ Công an lý giải đề xuất giảm mức xử phạt đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn

Đề xuất mức xử phạt của Bộ Công an được dựa trên ý kiến của một số bộ, ngành và người dân trên tinh thần nghiêm minh, tương xứng với mức vi phạm…

Đại tá Nguyễn Quang Nhật
Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Mới đây, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT đã lý giải đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn trong dự thảo nghị định mới.

Trước đó, thông tin Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt tiền đối với lỗi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được người dân hết sức quan tâm.

Về vấn đề này, đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, đề xuất giảm tiền xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức một đối với người điều khiển ôtô, môtô, xe máy chuyên dùng, được đưa ra sau khi Bộ Công an nhận ý kiến của một số bộ, ngành và người dân. Những ý kiến này cho rằng Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo một người đàn ông khỏe mạnh uống một ly rượu trong vòng một giờ thì nồng độ cồn đo được dưới mức 0,35mg/lít khí thở và dưới 50mg/ml máu. Các nghiên cứu khoa học của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy lượng nhỏ rượu bia có thể không gây ảnh hưởng quá lớn đến khả năng lái xe. Vì vậy họ đề xuất giảm tiền phạt với người uống ít.

“Sau khi Bộ Công an đăng tải dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về Trật tự an toàn giao thông đường bộ có đề xuất trên, Cục CSGT đã nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nêu rõ

Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì phạt nặng vi phạm nồng độ cồn đã giúp người tham gia giao thông có ý thức về việc “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Trong khi đó, nhiều người đồng tình nên hạ mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn tối thiểu vì không ảnh hưởng lớn đến khả năng lái xe. Chính vì vậy, ngoài việc xin ý kiến, Bộ Công an sẽ tổ chức hội thảo, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng dự thảo nghị định với tinh thần nghiêm minh, tương xứng với mức vi phạm và trình Chính phủ quyết định.

Theo dự thảo nghị định đang được Bộ Công an lấy ý kiến xây dựng, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở đã hạ thấp so với Nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021). Cụ thể:

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở đề xuất phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), lỗi vi phạm này đang bị yêu cầu xử phạt mức tiền từ 6 đến 8 triệu đồng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở đề xuất xử phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Theo quy định hiện hành lỗi vi phạm này đang bị yêu cầu xử phạt mức tiền từ 2 đến 3 triệu đồng.

Trường hợp người điều khiển xe máy chuyên dùng có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở hoặc chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu đề xuất phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trong khi mức xử phạt theo quy định hiện hành là từ 3 đến 5 triệu đồng.

Xem thêm

Thay “áo mới” cho mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Thay “áo mới” cho mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp... Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng chưa tạo được chuyển biến căn bản, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao...

Có thể bạn quan tâm

Xử lý ra sao các trường hợp chiếm đoạt tiền từ thiện, làm giả sao kê và “đu trend” cứu trợ bão lũ?

Xử lý ra sao các trường hợp chiếm đoạt tiền từ thiện, làm giả sao kê và “đu trend” cứu trợ bão lũ?

Dù đóng góp và giúp sức với bất kỳ hình thức nào, người của công chúng nói riêng và người dân nói chung nên có sự tìm hiểu kĩ càng, không nên mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi ngay tại thời điểm khó khăn này, để dẫn đến những hành vi đánh bóng tên tuổi hay phô trương phản cảm...

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương bồi thường tổn thất do bão số 3

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương bồi thường tổn thất do bão số 3

Hoàn lưu bão số 3 đang gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Con số thương vong của khách hàng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dự kiến sẽ còn tăng. Đây là tổn thất không thể bù đắp của khách hàng, đồng thời cũng là điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm không muốn...