Bộ Công Thương kiến nghị dự án điện gió, điện mặt trời đàm phán với EVN để bán

Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ trong 3 năm từ 2019 - 2021, đã có sự phát triển rất nhanh của các nguồn điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam.
Bộ Công Thương kiến nghị dự án điện gió, điện mặt trời đàm phán với EVN để bán

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (những dự án còn dở dang, không kịp hưởng giá FIT).

Đến nay, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các địa phương, trong tổng số 78.121 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, có 16.564 MW điện mặt trời (bao gồm 8.904 MW điện mặt trời tập trung và 7.660 MW điện mặt trời mái nhà), 4.126 MW điện gió đã vào vận hành, đã được hưởng giá FIT theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, vẫn có nhiều dự án, hoặc phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế, nhưng không kịp thời hạn được hưởng giá FIT; Trong số đó có 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn nên chưa có giá bán điện và 5 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá điện.

Ngoài ra, cũng có một số dự án khác đang triển khai dở dang.

Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, để tránh lãng phí đầu tư xã hội, cần thiết phải xác định cơ chế giá điện cho các dự án.

Theo đó, Bộ này đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ 4 vấn đề để giải quyết dứt điểm cơ chế cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng thời định hướng cơ chế cho các dự án điện gió, điện mặt trời trong tương lai.

Cụ thể, với các dự án án chuyển tiếp, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đã được báo cáo tại văn bản số 17 (ngày 27/1/2022). Nghĩa là nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.

Với các dự án điện gió và mặt trời sẽ triển khai trong tương lai, Bộ này đề nghị chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như các dự án chuyển tiếp như nêu trên. Điều này là nhằm đảm bảo tính thống nhất của hành lang pháp lý với các dự án.

Còn đối với các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, Bộ đề nghị Thủ tướng có văn bản chỉ đạo để Bộ Công Thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại hợp đồng giữa EVN và các chủ đầu tư nhằm hài hòa lợi ích giữa bên bán – bên mua – người tiêu dùng điện và nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định bãi bỏ các Quyết định số 13 về cơ chế phát triển điện mặt trời, Quyết định 37 và Quyết định số 39 về cơ chế phát triển điện gió. Giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị Dự thảo Quyết định, xin ý kiến các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đưa ra các đề xuất trên, Bộ Công Thương giải thích, do phương án EVN đấu thầu mua điện chưa rõ cơ sở pháp lý, do đó, các đề xuất trên sẽ đảm bảo tuân thủ Luật và văn bản liên quan.

Theo Bộ Công Thương, cơ chế đấu thầu mua điện của các dự án đã có chủ đầu tư, đã triển khai dở dang chưa được quy định trong các văn bản pháp luật, bao gồm Luật Điện lực, Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn liên quan. Nếu xây dựng quy định thì sẽ là qui định mới hoàn toàn.

Ngoài ra, Bộ này còn cho biết, đối với phương án đấu thầu mua điện, trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương nhận được nhiều phản hồi của các nhà đầu tư, hầu hết phản ứng mạnh, biểu lộ sự không đồng tình.

"Các ý kiến cho rằng, việc đấu thầu mua điện trong thời gian mấy năm là chưa có căn cứ pháp lý vững chắc, ảnh hưởng đến tính toán dòng tiền, khả năng hoàn vốn và trả nợ ngân hàng của các dự án đã triển khai", Bộ Công Thương cho hay.

Liên quan đến các dự án điện mặt trời, điện gió đang chờ cơ chế, mới đây báo chí đã đưa tin, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đang thu thập thông tin, tài liệu về tình hình cấp phép, đầu tư các dự án điện gió tại Việt Nam.

Theo đó, cơ quan công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp thông tin về các hợp đồng tín dụng, tình hình dư nợ, phân loại nợ đối với chủ đầu tư các dự án điện gió.

Việc này nhằm tham mưu cho Chính phủ về cơ chế, chính sách mua bán điện từ các dự án điện gió vận hành sau 1-11-2021, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, cơ quan công an đề nghị cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN phối hợp, rà soát cung cấp thông tin, tài liệu về các hợp đồng tín dụng, tình hình dư nợ, phân loại nợ đối với chủ đầu tư của 62 dự án điện gió và các dự án có tình trạng tương tự.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ trì Chương trình Bữa sáng Doanh nhân cuối cùng trong năm 2024, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA nhiều lần nhấn mạnh những tác động tích cực của hai “cuộc cách mạng” hứa hẹn tạo bước đột phá đối với sự phát triển của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp…

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

Chuyến công tác và những thỏa thuận hợp tác với VACOD-HBA được đối tác Nga, đặc biệt là chính quyền thành phố Saint Petersburg hết sức coi trọng. Những hoạt động của đoàn tại Nga đã gây được ấn tượng sâu đậm với các đối tác Nga...