Bộ Tài chính khuyến cáo rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp

Việc các doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao sẽ tồn tại rủi ro nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó, dẫn tới không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Bộ Tài chính khuyến cáo rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp

Sau gần 3 quý triển khai các quy định mới tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ vẫn ghi nhận tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh thị trường TPDN có tốc độ tăng nhanh, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) đã đưa ra khuyến cáo về những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia hoạt động này.

Theo đó, bên cạnh các tác động tích cực giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh, thị trường TPDN riêng lẻ cũng tiềm ẩn một số rủi ro, ví dụ như trường hợp một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao, trong khi đó chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Ngoài ra, hiện nay có một số trường hợp doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng vẫn phát hành TPDN với khối lượng lớn, lãi suất cao và không có tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo kém chất lượng.

Việc các doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao sẽ tồn tại rủi ro nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó, dẫn tới không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

Chính vì vậy, với tính chất rủi ro cao nên TPDN phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - là những nhà đầu tư có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro, có năng lực tài chính và dám chấp nhận rủi ro khi quyết định mua trái phiếu. Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định về phát hành TPDN đã quy định rõ rằng chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ.

Vụ Tài chính ngân hàng khuyến cáo, nếu không đủ điều kiện để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho rằng các nhà đầu tư không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Đáng chú ý, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, các công ty chứng khoán, ngân hàng khi phân phối TPDN chỉ có vai trò cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, chứ không có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và cũng không chịu trách nhiệm về các vấn đề trả gốc, trả lãi khi đến hạn của doanh nghiệp. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Đối với trường hợp "lách" quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, đại diện Bộ Tài chính khẳng định nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành.

Do đó, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường TPDN.

Xem thêm

Bộ Xây dựng cảnh báo về trái phiếu doanh nghiệp BĐS

Bộ Xây dựng cảnh báo về trái phiếu doanh nghiệp BĐS

Bộ Xây dựng khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo...

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...