Xét theo loại hình doanh nghiệp, nhóm ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khi phát hành thành công hơn 19.000 tỷ đồng, chiếm 55,13% tổng giá trị trái phiếu phát hành. Tiếp đến là nhóm bất động sản và xây dựng với tỷ trọng lần lượt là 5,88% và 4,38%. Các loại hình doanh nghiệp khác chiếm tới 28,35% giá trị trái phiếu phát hành trong tháng 12/2020.
Đặc biệt, năm 2020 khép lại với hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ khủng của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong tháng cuối năm, điều này cũng dự báo một năm 2021 tiếp tục "nóng" của trái phiếu doanh nghiệp BĐS.
Tuy nhiên cũng có nhiều cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh ở giai đoạn cuối năm 2020, xuất hiện nhiều thương vụ phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với cuộc đua lãi suất cam kết chi trả có khi lên đến 18%/năm, trong khi không bắt buộc về các tài sản đảm bảo cũng như thường không được bảo lãnh thanh toán mà chỉ bảo lãnh phát hành. Đây là hiện tượng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó. Trong trường hợp lượt phát hành sau không thành công lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao.
Do đó, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó quy định cụ thể điều kiện chào bán trái phiếu.
Đáng chú ý là quy định về việc chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn. Doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật …