Chiều ngày 5/5, Bộ Tài chính thông tin về thị trường bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2023 và các giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm.
Doanh thu qua kênh đại lý giảm sút
Đại diện Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối tháng 4, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 75.338 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.289 tỷ đồng, tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 52.049 tỷ đồng, chỉ tăng vỏn vẹn 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo quan sát, việc khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh đại lý trên toàn thị trường chứng kiến dấu hiệu giảm sút. Một phần do khó khăn kinh tế sau dịch, mặt khác, những thông tin nhiễu loạn, lùm xùm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua kéo dài khiến niềm tin của người dân về loại hình này trở nên lung lay.
Về chi trả quyền lợi bảo hiểm, 4 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả ước đạt 23.521 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 7.417 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 16.104 tỷ đồng.
Cũng đến cuối tháng 4, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 849.411 tỷ đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 730.540 tỷ đồng.
"Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708.373 tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 642.816 tỷ đồng", Bộ Tài chính thông tin.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 552.325 tỷ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.923 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 518.402 tỷ đồng.
Sẽ xử lý dứt điểm khiếu nại
Cũng theo Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua, ngay sau khi nhận được các thông tin và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, Bộ Tài chính đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm.
Cụ thể, bộ đã ban hành các công văn chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bộ Tài chính cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.
Thông tin kết quả hoạt động của đường dây nóng đến ngày 25/4, Bộ Tài chính cho biết tổng số kiến nghị, phản ánh nhận được qua điện thoại là 192 kiến nghị, phản ánh và 299 kiến nghị, phản ánh qua email; phân loại xử lý 350 đơn đề tố cáo liên quan đến bancassurance.
Sau khi tổ chức họp với toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát tổng thể và tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý, tăng cường các chế tài đối với đại lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh, thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm.
Về công tác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu, phân tích, đánh giá 5 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023 theo kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 2449/QĐ-BTC ngày 25/11/2022.
Trong quý 2, quý 3/2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế sẽ xây dựng phương án phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Theo đó, trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát.
Về xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tài chính đang rà soát, sửa đổi bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về bancassurance trong quá trình sửa đổi, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý 4/2023 theo kế hoạch.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ như: quy trình đào tạo đại lý, quy trình khai thác, thẩm định hợp đồng và giải quyết quyền lợi bảo hiểm, đảm bảo việc triển khai thực hiện theo đúng quy trình và quy định pháp luật có liên quan; giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm.