Thực chất, tình trạng ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn không còn mới. Khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng này được phản ánh thường xuyên hơn trên các phương tiện truyền thông/báo chí. Thậm chí đã có nhiều ngân hàng trực tiếp bị bêu tên.
Liên tiếp chỉ thị... “xử lý nghiêm”
Bộ Tài chính cũng đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan.
Đơn cử như, chỉ trong năm 2021, Bộ Tài chính đã có tổng cộng 3 lần ra công văn yêu cầu công với mục đích “chấn chỉnh hiện tượng các ngân hàng có xu hướng bán bảo hiểm cho khách hàng khi vay vốn". Các công văn này đều có nội dung tương tự nhau như yêu cầu các ngân hàng có hoạt động đại lý bảo hiểm, rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động này, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, các công văn này cũng đề cập đến vấn đề ép khách mua bảo hiểm khi cấp tín dụng và yêu cầu xử lý nghiêm.
Thậm chí, ngay trong tháng 1/2022, Chỉ thị “khai xuân” của Ngân hàng Nhà nước có nội dung trọng tâm là yêu cầu các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống. Chỉ thị này cũng có nội dung tương tự những chỉ thị kể trên là “xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng”.
Trong giai đoạn hiện nay khi doanh nghiệp vốn dĩ đã khó tiếp cận vốn vay, cộng thêm lãi suất cho vay của ngân hàng đang ở mức cao khiến doanh nghiệp khó xoay sở, tín dụng tăng trưởng thấp trong khi nguồn vốn dồi dào…, việc doanh nghiệp và người dân phản ánh tình trạng bị chèo kéo thậm, chí lừa gạt mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc gửi tiết kiệm càng khiến vấn đề này thêm nhức nhối. Không chỉ dừng lại ở các văn bản hành chính, Ngân hàng Nhà nước đã lập đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp có thể gọi trực tiếp, phản ánh kịp thời các trường hợp vi phạm. Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Những chỉ thị cũng như đường dây nóng ấy có khiến vấn nạn bán bảo hiểm kèm vay vốn ấy được kiểm soát?
Hoàn thiện hành lang pháp lý: Khó hay dễ?
Trong cuộc phỏng vấn với báo giới, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận, thời gian qua, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng nhận được nhiều phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng thương mại ép khách hàng mua bảo hiểm. Ông Trung cũng khẳng định, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 cũng như các văn bản hướng dẫn luật liên quan. Việc xử phạt bao gồm các hình thức phạt bằng tiền và các hình thức phạt bổ sung. Thậm chí, hình phạt bổ sung có thể sẽ là hình thức cấm hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn với nghiệp vụ nếu vi phạm nghiêm trọng.
Theo quy định hiện hành, khi ngân hàng làm đại lý cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, nếu có hành vi cố tình ép buộc, lừa dối khách hàng nhằm giao kết hợp đồng thì hợp đồng này sẽ không có hiệu lực. Theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN; Điều 88 và Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010, trong trường hợp khách hàng bị “lừa” mua bảo hiểm, ngân hàng thương mại phải chịu trách nhiệm về những phí tổn do hành vi của mình dẫn tới hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu.
Tuy nhiên, lợi ích của khách hàng, đặc biệt là sau khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu mà được bảo vệ như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Thậm chí, nếu sự kiện bảo hiểm được thỏa thuận trong hợp đồng xảy ra thì công ty bảo hiểm sẽ “vô can” và trách nhiệm của ngân hàng thương mại thì vẫn chưa được quy định rõ ràng. Như vậy, luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010 vẫn chưa thể để cập đến quyền lợi của khách hàng.
Sau gần 20 năm “thả lỏng” thị trường bảo hiểm, Thông tư 37/2019/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm (có hiệu lực từ 2/3/2020) và Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ 1/1/2023) vẫn tiếp tục "kế thừa những lỗ hổng về bảo vệ quyền lợi của khách hàng” tại những quy định của các luật và thông tư kể trên.
Đơn cử, Điều 22 quy định trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 vẫn chỉ quy định “Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có)”. Thậm chí, tại Thông tư 37, quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng không đề cập đến trách nhiệm của đơn vị bán bảo hiểm khi bán hợp đồng bảo hiểm vi phạm quy tắc "trung thực".
Điều này có nghĩa, quyền “được bảo vệ” khi ngân hàng thương mại vi phạm nguyên tắc trung thực khi thực hiện bán bảo hiểm vẫn không được cụ thể hóa. Như vậy, dù Bộ Tài chính từng lên tiếng khẳng định, nếu phát hiện trường hợp ép khách hàng mua bảo hiểm, sẽ chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự đồng thời thanh kiểm tra cả doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng nhung khi quy định của luật chưa rõ ràng thì rất khó để có một chuẩn mực đánh giá với các trường hợp ép khách mua bảo hiểm kể trên.
Và như chính ông Trung từng khẳng định, hình phạt chỉ là một phần. Quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, làm sao để hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhưng khi quy định của pháp luật còn chưa có, chưa được đề cập và rõ ràng thì cớ sao có thể khiến ngân hàng tuân thủ?
Theo luật sư Phan Thanh Hữu, hai trong các điểm mới của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 cần chú ý là:
Thứ nhất, Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 đã quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 không còn quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm nhằm để đảm bảo thống nhất với các quy định tại Bộ Luật Dân sự. Hiện nay, Luật Dân sự quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Còn tại Luật kinh doanh Bảo hiểm 2000 thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 sửa đổi và bổ sung một số vấn đề của Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 thì vẫn bảo lưu quy định này. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề theo Bộ luật hình sự thì không có quy định cụ thể nào phù hợp.
Thứ hai là, luật mới này bổ sung nội dung bắt buộc của hợp đồng bảo hiểm tại điều 17 trong đó có nội dung về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm; (Nội dung bổ sung) và Phương thức giải quyết tranh chấp. Về phương thực giải quyết tranh chấp cụ thể là thông qua thương lượng giữa các bên. Trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải hoặc Trọng tài hoặc Tòa án theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy định nằm trong luật, để rõ ràng hơn thì cần các thông tư hướng dẫn cụ thể. Đây là điều mà các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trông mong hàng đầu hiện nay.