Thủ tướng nêu rõ, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, tác động tới tình hình kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn cần tháo gỡ, những thách thức cần vượt qua.
Có kết quả tích cực
Thực tế, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu trong năm 2022.
Tiếp đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022, trong 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam vẫn duy trì đà phát triển, đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.
Cùng với đó, cán cân thương mại xuất siêu 4,07 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 1 tăng 3,7% so với cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 19% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện đạt 4,3 tỷ USD.
Bên canh đó, tăng trưởng kinh tế quý 1 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước; Du lịch phục hồi tích cực, khách quốc tế 3 tháng đầu năm đạt gần 2,7 triệu lượt, tăng 29,7 lần cùng kỳ.
Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức khoảng từ 6,3-7,0%.
Về sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, theo kết quả khảo sát năm 2022 do JETRO thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, có 60% doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, cao nhất trong khối ASEAN.
Còn khảo sát tháng 1/2023 về môi trường kinh doanh của Eurocham, Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Vừa qua, trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, với tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, bước vào năm 2023, Việt Nam nhận định sẽ có nhiều thách thức như quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới, từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về vốn đầu tư toàn cầu, cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sẽ diễn ra quyết liệt. Đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn ĐTNN được dự báo giảm trong năm 2023 trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau COVID-19 tăng cao.
Bên cạnh đó, dòng vốn ĐTNN toàn cầu có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, là năm "bản lề" trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025”.
Nếu các năm 2021-2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để "tăng tốc". Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Giải pháp thực hiện
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, tại hội nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đóng góp một số kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Cụ thể, đối với các Bộ, ngành, địa phương trong ngắn hạn, phải chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu, khẩn trương xử lý triệt để cho doanh nghiệp, không để khó khăn tồn đọng kéo dài.
Thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 để tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Đồng thời chủ động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2024, tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.
Trong dài hạn, các Bộ, ngành, địa phương cần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch, tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh và thúc đẩy giải ngân mọi nguồn vốn đầu tư.
Các cơ quan cần tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; gia tăng giá trị sản xuất nội địa. Cùng với đó, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ngoài ra, các địa phương phải xây dựng chính sách thu hút ĐTNN cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền, bảo đảm việc thu hút, hợp tác ĐTNN theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và các doanh nghiệp thành viên, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các thành viên trong nước và nước ngoài, hợp tác hình thành chuỗi liên kết, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau mở rộng thị trường hoạt động đầu tư kinh doanh.
Hiệp hội cần chủ động nghiên cứu, đánh giá, nhận định các thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp hội viên.
Cuối cùng là các doanh nghiệp, thứ nhất, phải thực hiện đổi mới mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, trao đổi, liên hệ kịp thời với các cơ quan quản lý về đầu tư tại Trung ương và địa phương để có được sự hỗ trợ, hướng dẫn và sớm có được quyết định đầu tư.
Thứ ba, xây dựng tinh thần chia sẻ, hợp tác và đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, tổ chức sản xuất kinh doanh bền vững, tuân thủ pháp luật, luôn đổi mới công nghệ. Mỗi một doanh nghiệp các bạn đều là một đối tác chiến lược toàn diện của chúng tôi.
Thứ tư, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước để cùng nhau tận dụng các cơ hội và lợi thế mỗi bên. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.