Bộ Xây dựng đề xuất bỏ điều kiện thường trú, tạm trú khi mua nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đã có đề xuất với Quốc hội bỏ quy định người dân muốn mua nhà xã hội (NƠXH) phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình.

Đây là nội dung nằm trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp. Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (nhà ở, cư trú, thu nhập).

Điều kiện này sẽ dẫn đến bất cập là những người thu nhập thấp, để thuê nhà ở xã hội (không mua bán, chuyển quyền sở hữu nhà ở) cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ chứng minh 3 điều kiện nêu trên.

Chưa kể, theo Bộ Xây dựng, việc quy định điều kiện về cư trú “Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này” để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của các địa phương có dự án nhà ở xã hội chỉ chăm lo nhà ở cho người dân, người lao động làm việc trên địa bàn đã không còn phù hợp trong tình hình mới, đồng thời phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

nha-o-xa-hoi
Người thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Do đó, thay vì người dân muốn mua nhà xã hội phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình, Bộ đề xuất người mua, thuê mua nhà ở xã hội phải đảm bảo hai điều kiện về nhà ở và thu nhập như sau:

Thứ nhất về nhà ở: Người muốn mua phải chưa có nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc hoặc có nhà của mình nhưng diện tích bình quân đầu người thấp hơn mức tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và khu vực.

Thứ hai về thu nhập: Người mua nhà ở xã hội phải thuộc diện thu nhập thấp; công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập; hộ nghèo, cận nghèo; người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở; người đã trả lại nhà công vụ.

Hoặc hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở thì không cần đáp ứng điều kiện về thu nhập.

Riêng về người thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng cũng đề xuất cho doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp để cho người lao động trong đơn vị thuê lại. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp, đang sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp; phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động.

Hiện, theo Luật Nhà ở năm 2014, người muốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng ba điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập. Những người này bắt buộc có đăng ký thường trú tại địa phương nơi có nhà ở xã hội; nếu không thì phải có tạm trú từ một năm trở lên.

Với quy định này, Bộ Xây dựng cho rằng quy định về điều kiện cư trú như luật hiện hành đã không còn phù hợp trong tình hình mới, phát sinh thủ tục không cần thiết. Chưa kể, quy định về ba điều kiện nhà ở, cư trú, thu nhập dẫn đến bất cập là người thu nhập thấp muốn thuê nhà xã hội (không mua bán, chuyển quyền sở hữu) cũng phải thực hiện đầy đủ thủ tục, giấy tờ chứng minh.

Chưa kể, hiện nay, doanh nghiệp tại khu công nghiệp có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội để lo cho công nhân, tuy nhiên, luật hiện hành chưa quy định nhóm này được hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội.

Nếu đề xuất này được phê duyệt thì sẽ thúc đẩy nguồn cung và cầu nhà ở xã hội, nhất là nhà cho thuê, góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Xem thêm

Có gói 120.000 tỷ đồng, xây nhà ở xã hội cũng... chẳng dễ

Có gói 120.000 tỷ đồng, xây nhà ở xã hội cũng... chẳng dễ

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giao, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nguồn vốn 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Tuy nhiên, khó khăn của các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội còn đến từ nhiều yếu tố khác, ngoài dòng tiền...

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…