Ngân hàng 0 đồng OceanBank đang được đối tác ngoại tìm hiểu để mua lại
Thông tin này được hé lộ tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 diễn ra sáng nay 20/7. Ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN đã xác nhận có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu 1 trong 3 ngân hàng 0 đồng của NHNN.
Đối tượng ngắm đến là ngân hàng OceanBank – đã bị mua lại bắt buộc giá 0 đồng hồi năm 2015, do NHNN trực tiếp tái cơ cấu và Vietinbank hỗ trợ hoạt động. Được biết, OceanBank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, song dưới thời điều hành của HĐQT cũ do ông Hà Văn Thắm làm chủ tịch HĐQT thì ngân hàng này đã bị thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Trong 2 năm 2015-2016, OceanBank liên tiếp hoạt động có lãi, góp phần khắc phục một phần lỗ lũy kế do quá khứ để lại. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 1.907 tỷ đồng so với năm 2015. Năm 2017, OceanBank đặt chỉ tiêu tiền gửi khách hàng trên 30 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay khoảng gần 18 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Thọ, ngân hàng ngoại này đang thực hiện giai đoạn 2 trong quá trình soát xét, đánh giá mang tính toàn diện hoạt động của OceanBank để có quyết định mua lại hay không. Nhà đầu tư nước ngoài lần này rất nghiêm túc với thương vụ và rất muốn quá trình này thực hiện thành công. Nếu thương vụ M&A này được thực hiện thành công, Việt Nam sẽ có thêm một ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
“Việc mua lại một tổ chức tín dụng không phải là một thương vụ đơn giản và cần nhiều thời gian để xem xét và đánh giá”, ông Thọ nói, giải thích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tái cơ cấu, hệ thống, đặc biệt thủ tục pháp lý bán ngân hàng nội cho nước ngoài mặc dù phương án bán vốn của ngân hàng cho đối tác nước ngoài đã được đề cập đến từ nhiều năm trước.
Hiện, NHNN và các bên liên quan chưa tiết lộ danh tính đối tác ngoại đang tìm hiểu OceanBank để M&A. Song cùng ngày, thông tin đáng chú ý là ngày 19/7/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận về nguyên tắc Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) đến từ Singapore thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
NHNN cũng chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc của UOB Việt Nam.
Theo yêu cầu của NHNN, để được xem xét, cấp Giấy phép thành lập và hoạt động UOB Việt Nam, Ngân hàng UOB phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định và hướng dẫn của NHNN để trình Thống đốc NHNN xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. Trước đó, UOB là ngân hàng ngoại đầu tiên được cho là sẽ mua lại GPbank song đến phút cuối, thương vụ này bất ngỡ đổ bể.
Lãnh đạo NHNN cũng chia sẻ thêm về 2 ngân hàng 0 đồng khác (CBBank và GPBanl) cũng đang có nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề muốn tham gia tái cơ cấu mua lại ngân hàng. NHNN đã đồng ý cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận với các ngân hàng để có được thông tin bước đầu đánh giá và có được những quyết định các bước tiếp theo.
Hiện, NHNN và Chính phủ khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các ngân hàng mua lại bắt buộc.
Ông Thọ cũng cho biết, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được thông qua là một điểm quan trọng, kỳ vọng tạo một bước đột phá mới. Trọng tâm nhất trong Nghị quyết 42 là quy định về xử lý tài sản đảm bảo, đây chính là “linh hồn của Nghị quyết”. Do đó, dù là nợ xấu nhưng có tài sản đảm bảo thì nợ không xấu. Nhiều trường hợp, nợ xấu có tài khoản đảm bảo nhưng lại “sợ” không xử lý. Do đó, việc Nghị quyết 42 được thông qua sẽ tạo ra lối đi rõ ràng cho việc xử lý nợ xấu.