Bức Salvator Mundi (Chúa Cứu thế) được cho là một trong 15 tác phẩm cuối cùng của Leonardo da Vinci đã tuyệt tích hàng thế kỷ, rồi được tìm thấy trước khi được xác định là tranh thật sự của vị họa sĩ thiên tài nhân có một triển lãm các tác phẩm của ông tại Bảo tàng quốc gia Anh ở London vào năm 2011.
Tranh vẽ Chúa Jesus một tay giơ lên ban phước lành, một tay cầm quả cầu pha lê. Các giới chức có thẩm quyền của Christie’s khẳng định việc tìm thấy bức Salvator Mundi là “phát hiện lớn nhất của thế kỷ XXI” và cho rằng tranh được Leonardo da Vinci vẽ cùng thời với bức Mona Lisa, qua những bằng chứng theo họ là hết sức thuyết phục.
Cũng theo nhà Christie’s, bức tranh được vẽ khoảng năm 1506 - 1511 theo đặt hàng của vua nước Pháp Louis XII. Thế rồi tranh đã có một số phận kỳ lạ. Vào giữa thế kỷ XVII, tranh thuộc bộ sưu tập của vua nước Anh Charles I và được treo trong phòng riêng của vợ ông là hoàng hậu Henrietta Maria, sau đó thuộc sở hữu của vua Charles II.
Bức Salvator Mundi được nhìn thấy vào năm 1763 qua một thương vụ mua bán tranh do Charles Herbert Sheffield tổ chức. Ông là con trai của nhà quý tộc Edmund Sheffield - người được phong tước hiệu công tước Buckingham và tranh được lấy từ Cung điện Buckingham của Hoàng gia Anh.
Thế rồi tranh biến mất trong suốt 140 năm, mãi đến năm 1900 mới thuộc về sưu tập của Sir Charles Robinson nhưng được cho là tác phẩm của Bernardino Luini - một người đi theo phong cách hội họa của Leonardo da Vinci.
Năm 1958, tại một phiên đấu giá của nhà Sotheby’s London, bức tranh chỉ bán được với giá 45 bảng Anh. Rồi tranh lại tuyệt vô âm tín cho tới khi được bán tại một nhà đấu giá cỡ nhỏ tại Mỹ vào năm 2005 và được đưa ra triển lãm tại Bảo tàng quốc gia Anh năm 2011. Khi đó tranh lại được các chuyên gia về Leonardo da Vinci khẳng định chắc nịch là của chính ông.
Năm 2013, Yves Bouvier - một nhà buôn tranh Thụy Sĩ đã mua bức Salvator Mundi tại một phiên đấu giá của Sotheby’s London với giá 80 triệu USD rồi "tay cáo già" này đã bán lại tranh cho tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev với giá lên đến 127,5 triệu USD. Sau đó dẫn tới những kiện cáo giữa Rybolovlev và Bouvier, dẫn tới tay buôn tranh bị bắt vào năm 2015. Tuy nhiên qua vụ kiện cáo đó, người ta được biết nhà Sotheby’s đã mua bức tranh chỉ với giá 10.000 USD.
Mới đây, báo Anh The Guardian đã đưa ra những chứng cớ thuyết phục cho thấy Leonardo da Vinci đã không vẽ bức Salvator Mundi vì những lỗi kỹ thuật sơ đẳng mà một thiên tài hội họa như tác giả Mona Lisa không thể mắc phải. Phải chăng việc tung hô bức tranh quá mức chính là nhằm khỏa lấp những lỗi sơ đẳng đó và để có thể bán được một bức tranh đã bị đẩy giá tăng vọt gấp hàng vạn lần chỉ trong vòng vài năm?