Đây là số liệu do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa công bố trong báo cáo 6 tháng đầu năm về thị trường bất động sản TP.HCM.
Theo HoREA, việc nhiều doanh nghiệp bất động sản ra đời là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang thu hút sự quan tâm đầu tư, khởi nghiệp của xã hội nhưng cũng đặt ra vấn đề về năng lực hoạt động, tính chuyên nghiệp, và cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức quan tâm công tác quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập.
Không tính số lượng các doanh nghiệp được thành lập từ đầu năm đến nay thì trước đó, toàn thành phố có 13.220 doanh nghiệp bất động sản, gồm 4.970 công ty cổ phần, 5.878 công ty TNHH 2 thành viên trở lên, 2.140 công ty TNHH một thành viên, 232 doanh nghiệp tư nhân.
Trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã phát triển được 4,92 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở thành phố lên 157 triệu m2, bình quân đạt 18,47 m2/người.
Thị trường nhà ở thương mại ghi nhận 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 16.506 căn (trong đó, có 14.754 căn hộ chung cư, 1.752 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị cần huy động lên đến 30.599 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 5.164 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%, phân khúc trung cấp có 5.136 căn, chiếm tỷ lệ 31,1%, phân khúc bình dân có 6.206 căn, chiếm tỷ lệ 37,6%. Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá “vừa túi tiền” (trung cấp và bình dân) chiếm tỷ trọng lớn nhất (68,7%) trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 06 tháng đầu năm.
“Đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và có tính thanh khoản cao”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì số lượng nhà ở chào bán giảm so với cùng kỳ năm 2016, riêng phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%, có những chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở trung cấp không có sản phẩm bán trong 06 tháng đầu năm nay.
Đáng lưu ý, thị trường căn hộ khách sạn, căn hộ dịch vụ, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (officetel, condotel, serviced apartment) đang có dấu hiệu dư cung. Tỷ lệ căn hộ condotel hiện chiếm khoảng 56%, cao hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort là không bình thường.
Theo ông Châu, tình trạng lệch pha cung – cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, 5 “điểm nghẽn” còn tồn tại như: “Điểm nghẽn" tiền sử dụng đất, “điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng, “điểm nghẽn" chuyển nhượng dự án bất động sản, "điểm nghẽn" chính sách tín dụng và “điểm nghẽn" thủ tục hành chính đang hạn chế rất lớn sự phát triển của thị trường địa ốc Sài Gòn.
HoREA cũng dự báo, thị trường bất động sản vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng nhưng sẽ tiếp tục xu thế “chững lại” so với năm 2016. Giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
>> Bất động sản TP.HCM: Phân khúc cao cấp hiếm hàng nên... đắt khách