“Cá mập” Pyn Elite Fund trở thành cổ đông lớn của Haxaco

Pyn Elite Fund đã nâng sở hữu tại Haxaco từ 5,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,8% vốn) lên thành 6,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,7% vốn) qua đó trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp phân phối Mercedes-Benz chính hãng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam...

Quỹ ngoại Pyn Elite Fund vừa thông báo đã mua thành công 935.200 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán: HAX) trong ngày 10/12.

Sau giao dịch, Pyn Elite Fund nâng sở hữu tại Haxaco từ 5,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,8% vốn) lên thành 6,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 5,7% vốn) qua đó trở thành cổ đông lớn của công ty.

Trong phiên 10/12, cổ phiếu HAX xuất hiện thoả thuận với khối lượng bằng đúng lượng cổ phiếu mua vào của Pyn Elite Fund. Giá trị giao dịch thỏa thuận là 14,9 tỷ đồng, tương đương giá bình quân gần 15.900 đồng/cổ phiếu. Nhiều khả năng bên mua trong giao dịch này chính là quỹ ngoại đến từ Phần Lan.

Trên thị trường, cổ phiếu HAX đang dừng ở mức 16.400 đồng/cổ phiếu, tăng 38% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường tương ứng ở mức gần 1.800 tỷ đồng.

Haxaco được biết đến là doanh nghiệp phân phối Mercedes-Benz chính hãng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Hiện tại, công ty sở hữu 5 đại lý phân phối dòng xe này trên cả nước. Bên cạnh Mercedes-Benz, Haxaco cũng nắm trong tay 5 đại lý phân phối xe MG (Morris Garages).

Mới đây, Haxaco đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu Công ty Cổ phần Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Ô tô PTM trên sàn HOSE. PTM là công ty con của Haxaco, có vốn điều lệ 320 tỷ đồng. PTM hiện đang chịu trách nhiệm phân phối dòng xe MG cho Haxaco với tổng cộng 7 đại lý trên toàn quốc.

Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, Haxaco ghi nhận doanh thu đạt 3.695,9 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng gấp gần 10 lần cùng kỳ, đạt 144 tỷ đồng.

Về phía Pyn Elite Fund, quỹ ngoại này là một trong những cá mập lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản quản lý lên đến hơn 800 triệu EUR (tương đương 22.000 tỷ đồng) tính đến cuối tháng 11. Nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán) chiếm áp đảo cả về số lượng và tỷ trọng với 6 cái tên trong top 10 cùng tổng tỷ trọng 52%.

Tháng 11/2024, quỹ ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 1,2%. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp hiệu suất đầu tư giảm. Tuy nhiên, lũy kế 11 tháng đầu năm, hiệu suất của Pyn Elite Fund tương đối khả quan khi đạt 17,08%, vượt trội so với VN-Index.

Tại bức thư gửi nhà đầu tư vào tháng 11, ông Petri Deryng, nhà điều hành quỹ, nêu quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi có nhiều tín hiệu tích cực hơn trong nước, phần lớn doanh nghiệp niêm yết đều có hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung trong nội địa.

Theo ông, mặc dù các chính sách thuế tiềm năng của tân Tổng thống Donald Trump có thể cản trở sự phát triển của một số công ty xuất khẩu thuộc sở hữu nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, những công ty này không được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam được kỳ vọng đạt khoảng 20% vào năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương tự vào năm 2025. Thị trường chứng khoán trước khi điều chỉnh đã ở mức định giá khá hợp lý, với P/E dự phóng năm 2025 là 10 lần.

Có thể bạn quan tâm