Sáng 6/12, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA cho biết, thời gian qua, dù đối mặt với nhiều biến cố khó lường, nhưng thị trường vốn Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng ngày càng cân đối, hài hòa và bền vững hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, tăng tỷ trọng nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán.
Tính đến hết tháng 6/2024, vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt hơn 7.066 nghìn tỷ đồng, tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023. Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8,6 triệu tài khoản.
Tuy nhiên, cũng theo vị Chủ tịch VFCA, bên cạnh sự phát triển ấn tượng thời gian qua, thị trường vốn Việt Nam hiện nay còn tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết. Điển hình nhất là vấn đề cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp còn kém bền vững, chủ yếu được phát hành bởi nhóm ngân hàng và bất động sản.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho hay, những quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp trong Luật Chứng khoán sửa đổi đã phần nào tháo gỡ khó khăn vướng mắc sau cuộc khủng hoảng niềm tin. Tuy nhiên, cấu trúc thị trường chưa cho phép trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc ngay được.
Ông Nghĩa giải thích thêm, một trong hai chủ thể tham gia tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng. Nhưng việc huy động vốn qua kênh trái phiếu của các ngân hàng chủ yếu phục vụ cho mục đích tăng vốn cấp 2, từ đó tăng huy động và cho vay.
Chủ thể thứ hai tham gia tích cực là các doanh nghiệp bất động sản. Song họ đang rơi vào cảnh khó khăn khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo.
Còn lại, các doanh nghiệp nội địa khác thì thiếu vốn trầm trọng nhưng cũng không thể tham gia sân chơi trái phiếu doanh nghiệp vì kỳ hạn ngắn (khoảng 3 năm) nhưng lãi suất lại rất cao.
“Nhìn chung, nếu trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục chỉ dựa vào bất động sản thì năm tới vẫn sẽ còn khó khăn. Đây cũng là vấn đề chúng ta phải cảnh giác”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, để giải quyết được những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, điều đầu tiên cần làm là giải quyết các dự án bất động sản lớn đang bị “đắp chiếu” tại các tỉnh thành.
“Chỉ khi đó, thị trường bất động sản mới khởi sắc, kéo theo thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi lên”, ông nhận định và cho rằng: "Việt Nam cũng cần thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp".
Cũng tại hội thảo trên, khá nhiều các ý kiến đóng góp với mong muốn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp như tiếp tục chuẩn hoá và cải thiện minh bạch thông tin, đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm, xây dựng khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu... Trong đó, nổi bật nhất là gợi mở về cơ chế khuyến khích cho trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS).
Hiện tại, theo thống kê của FiinRatings, Việt Nam có 18 lô phát hành trái phiếu xanh cho giai đoạn 2018-2023. Và riêng trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2024 thị trường đã ghi nhận 04 giao dịch trái phiếu xanh được phát hành với tổng giá trị đạt 6,87 ngàn tỷ đồng có xác nhận đáp ứng tiêu chuẩn xanh quốc tế.