Mới đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã chia sẻ thông tin anh bị lừa đảo mất 200 triệu đồng. Theo nam ca sĩ chia sẻ, anh bị người giả danh công an lừa. Nam ca sĩ "Say tình" cũng cảnh báo mọi người cẩn thận vì giờ lừa đảo quá tinh vi.
Đàm Vĩnh Hưng viết trên Facebook cá nhân: "Mình vừa bị lừa nên cũng đóng số tài khoản đừng ai chuyển khoản nha. Giả danh công an quận 10 gọi mình lên hỗ trợ định danh. Nó nói là phải sử dụng điện thoại vào hệ điều hành Android mới làm được vì hệ thống nhà nước đồng bộ như vậy. Nó dùng quét mặt nha mọi người. Hưng bị rút hơn 200 triệu mọi người thật sự cảnh giác nha. Thủ đoạn siêu siêu tinh vi".
Đàm Vĩnh Hưng không phải là trường hợp đầu tiên là nghệ sĩ bị lừa đảo với hình thức kể trên. Trước anh, ca sĩ Lương Gia Huy cho biết, anh cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự và bị mất gần 500 triệu đồng.
Trước đó, rất nhiều nạn nhân "dính bẫy" lừa đảo giả công an yêu cầu hỗ trợ định danh, gây thiệt hại tiền tỷ. Theo đó, các đối tượng chủ yếu sử dụng hình thức gọi điện thoại đến người dân, giả danh công an để hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID. Thực tế, các đối tượng dùng ứng dụng giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cập nhật thông tin cá nhân trên tài khoản định danh điện tử.
Sau khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, ứng dụng giả mạo được cấp quyền truy cập thiết bị ở mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân, đọc tài khoản ngân hàng, đọc tin nhắn chứa mã OTP...). Từ đó, các đối tượng lừa đảo kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân. Tiếp đó, chúng thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Để tránh rơi vào bẫy lừa cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, người dân cần nhận diện đặc điểm chung của các hình thức lừa đảo để nâng cao cảnh giác; không làm việc, cung cấp thông tin cá nhân hoặc làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại; tuyệt đối không truy cập các link nhận được qua tin nhắn hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh.
Người dân tuyệt đối không cấp quyền hỗ trợ (Accessibility), bởi tất cả các ứng dụng của ngân hàng, thuế hay bất kỳ cơ quan nào khác đều không yêu cầu quyền này.
Nếu nghi ngờ bị lừa, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an để được hỗ trợ; ngay lập tức tắt Wifi, dữ liệu di động; tháo sim, tắt nguồn điện thoại để ngăn chặn việc đối tượng chiếm quyền truy cập trái phép hoặc đọc mã OTP ngân hàng gửi về điện thoại. Trong trường hợp không thể tắt nguồn, người dân cần tắt thiết bị phát sóng Wifi hoặc di chuyển ra xa khoảng cách bắt tín hiệu Wifi để ngắt hoàn toàn kết nối với đối tượng.