Mới đây , Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu 3 năm vào ngày 24/9 với lãi suất 6,6%/năm. Toàn bộ lượng trái phiếu trên được công ty chứng khoán SSI mua trọn.
Trước đó, Công ty chứng khoán VNDirect cũng đã trở thành trái chủ duy nhất của lô 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,6%/năm của OCB.
VNDirect cũng là công ty chứng khoán đã mua trọn lô 400 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm của ngân hàng MSB (ngày 11/9) và lô 200 tỷ đồng trái phiếu 3 năm, lãi suất 6,7%/năm do LienVietPostBank phát hành vào ngày 3/9.
Hồi giữa tháng 9 , Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng đã phát hành riêng lẻ thành công 950 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm với lãi suất cố định 7%/năm. Toàn bộ lượng trái phiếu trên được một công ty chứng khoán trong nước bí ẩn mua hết.
Tương tự, trong tháng 8, SHB cũng đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Nhà đầu tư ôm trọn lô trái phiếu này cũng là một công ty chứng khoán không thể tiết lộ danh tính.
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), trong hai ngày 17/9 và 19/9, ngân hàng này đã phát hành thành công 2.600 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 2 năm và 3 năm với lãi suất 6,7%/năm đối với kì hạn 2 năm và 6,8%/năm đối với kì hạn 3 năm.
Tất cả lượng trái phiếu được ACB phát hành trong hai đợt vừa qua đều do các nhà đầu tư tổ chức mua. Mặc dù ACB không công bố thông tin trái chủ tuy nhiên theo lịch sử các đợt phát hành trước đo, phần lớn trái phiếu của ngân hàng này đều do các công ty chứng khoán mua vào.
Thực tế, các ngân hàng luôn dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu kể từ đầu năm đến nay nhưng cũng là đơn vị đưa ra mức lãi suất thấp nhất. Tuy nhiên,các công ty chứng khoán lại tích cực ôm vào, đã khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về mục đích.
Trước đó, theo nhận định của các chuyên gia, công ty chứng khoán không bao giờ "ôm" trái phiếu ngân hàng. Chi phí vốn của họ luôn cao hơn mức lãi suất 6-7% của trái phiếu ngân hàng. Vì vậy mua trái phiếu ngân hàng để đầu tư không phải lựa chọn.
Hơn nữa, các công ty cũng không thể bán lẻ số 23.000 tỷ trái phiếu này cho đầu tư cá nhân. Với mức lãi suất từ 6-7% mà các ngân hàng chào bán, các nhà đầu tư cá nhân sẽ không bỏ tiền để nắm loại hình giấy tờ có giá này.
Một chuyên gia chứng khoán lâu năm nhận định, các công ty chứng khoán chỉ là "bình phong" đứng ra mua hộ các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác. Các quy định đối với ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu (mua trực tiếp từ tổ chức phát hành) rất phức tạp, do liên quan đến thẩm định tín dụng.
Trong khi đó, khi ngân hàng mua lại trái phiếu từ một tổ chức khác (thông qua trung gian), giao dịch này được xem là nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trên thị trường, không phải trải qua nhiều bước thẩm định tín dụng. Đây là "thao tác" thông thường của các ngân hàng thương mại khi muốn nắm trái phiếu của nhau.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, ngoài mua với mục đích bán lại cho ngân hàng hoặc tổ chức khác, có khả năng các công ty đầu tư trái phiếu để phân bổ rủi ro. Với quy mô margin (cho vay các nhà đầu tư trên thị trường) của các công ty chứng khoán khoảng 47.000 – 50.000 tỷ, các công ty này đủ sức bỏ tiền đầu tư vào trái phiếu.
>> BIDV chào bán thành công gần 3.000 tỷ đồng trái phiếu