Với hơn 20 năm hình thành và phát triển, Mekong Capital trở thành một trong những quỹ đầu tư phát triển bền vững và có bề dày kinh nghiệm nhất ở Việt Nam. Một trong những thương vụ được đánh giá thành công nhất, sau 10 năm nắm cổ phần tại Thế giới Di Động, Mekong Capital đã thu về gần 200 triệu đô.
Theo thống kê cho thấy, Mekong Capital đầu tư trong rất nhiều lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực bán lẻ là những cái tên như Pharmacity, Tập đoàn HSV, Vua Nệm, Mutosi; lĩnh vực dịch vụ tài chính tiêu dùng là cái tên quen thuộc F88; lĩnh vực logistics với Nhất Tín Logistics, ABA Cooltrans; lĩnh vực giáo dục YOLA; lĩnh vực công nghệ sinh học là Entobel, Gene Solutions; lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào bất động sản Rever; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Livespo; nhà hàng Marou, Chảo Đỏ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 4 doanh nghiệp trong số các cái tên kể trên đã công bố báo cáo tài chính năm 2022.
Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Nhất Tín (Nhất Tín Logistics) năm 2022 báo lỗ 21,7 tỷ đồng, con số này cao hơn so với mức lỗ năm 2021 là gần 21,3 tỷ đồng.
Với việc lỗ ròng 2 năm liên tiếp, vốn chủ sở hữu hất Tín Logistics tại ngày 31/12/2022 giảm hơn 25 tỷ đồng về 182,9 tỷ đồng so với số đầu kỳ. Nợ phải trả 366 tỷ đồng, tăng gần 15,7%. Dư nợ vay trái phiếu khoảng 14,63 tỷ đồng. Theo tính toán, tổng tài sản Nhất Tín Logistics cuối năm 2022 đạt 549 tỷ đồng, tăng gần 4,7%.
Theo dữ liệu của HNX, Nhất Tín Logistics đã từng phát hành 1 mã trái phiếu NTLCH2123001, phát hành ngày 12/11/2021, đáo hạn ngày 12/5/2023, tổng giá trị 500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm. Nguồn vốn kể trên được Nhất Tín dùng để đầu tư phương tiện vận tải (17,5 tỷ đồng); đầu tư kho bãi (10 tỷ đồng)….
Tuy nhiên, lô trái phiếu này đã được Nhất Tín Logistics mua lại ở các đợt tháng 11/2022 (tổng giá trị mua lại 350 tỷ đồng) và tháng 3/2023 (tổng giá trị mua lại 150 tỷ đồng).
Năm 2017, Nhất Tín Logistics được quỹ đầu tư Mekong Capital rót vốn đầu tư thông qua công ty Jeromosity Pte. Ltd và qua đó trở thành nhà đầu tư chiến lược. CEO Mekong Capital Chris Freund đang là cố vấn cao cấp cho công ty này. Sau quá trình tăng vốn 5 lần, vốn điều lệ của công ty đến nay đạt hơn 72 tỷ đồng. Trong đó, Jeromosity Pte.Ltd (Singapore) là nhà đầu tư nước ngoài duy nhất chiếm gần 30,594% vốn.
Tương tự, Công ty Cổ phần Giải pháp Thương mại A Ba nằm trong danh mục đầu tư ở lĩnh vực logistic cũng báo lỗ, đây là năm thứ 4 liên tiếp A Ba lỗ ròng. Năm 2022, doanh thu thuần của A Ba đạt 335,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí, A Ba báo lỗ 36,3 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2021 công ty ghi nhận lỗ gần 44 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 19,5 tỷ đồng năm 2019 lỗ 27,1 tỷ đồng. Tính tại ngày 31/12/2022, công ty ghi nhận lỗ lũy kế lên đến gần 108 tỷ đồng.
Tháng 8/2016, Mekong Capital thông báo rằng quỹ thuộc quyền quản lý là Mekong Enterprise Fund III (MEF III) đã thực hiện đầu tư vào A Ba. Tính đến cuối năm 2022, quỹ này nắm 48,16% vốn A Ba thông qua Beautegrity Pte.LTD.
Được thành lập và hoạt động từ năm 2008, A Ba hiện là nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp vận chuyển bảo quản nhiệt độ tại Việt Nam. Vào năm 2016, công ty đã chính thức bước vào mảng kinh doanh kho lạnh thông qua việc mua lại một cơ sở kho lạnh tại Hà Nội. Công ty hiện đang phát triển theo hướng cung cấp chuỗi logistics lạnh tích hợp cho thị trường Việt Nam.
Một cái tên khác là cũng cần phải nhắc đến dù chưa công bố báo cáo tài chính 2022 là Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Pharmacity ghi nhận lỗ đến 194,2 tỷ đồng, trước đó Pharmacity cũng lỗ ròng 265 tỷ đồng năm 2019.
Vào 3 tháng cuối năm 2019, Pharmacity phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn hai năm, chủ yếu cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Đáng chú ý là lãi suất phát hành khá cao, lên tới 13%/năm. Nếu cộng cả chi phí phát hành, lưu ký, thì chi phí thực có thể lên tới 14-14,5%, cao hơn khá nhiều so với lãi vay ngân hàng từ 9,5-12% hiện nay.
Các lô trái phiếu này đều đáo hạn trong năm 2021 và Pharmacity sau đó không phát hành thêm lô trái phiếu nào nữa. Tuy nhiên, một doanh nghiệp có liên hệ đến Pharmacity là Công ty cổ phần Maroon Bells đã huy động hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu cũng cùng năm 2021. Cụ thể, Maroon Bells tháng 8/2021 đã hút thành công 1.023 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm. Đây là loại trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với lãi suất 8%/năm.
Pharmacity là chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc cùng tên lớn nhất cả nước, với 315 cửa hàng tới thời điểm hiện nay, chủ yếu tập trung tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành phía Nam.
Một doanh nghiệp khác cũng trong cảnh làm ăn thua lỗ, Công ty Cổ phần Đầu tư Vua Nệm (Đầu tư Vua Nệm), một hạt nhân của hệ sinh thái vua nệm cũng báo lỗ gần 57 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty thành viên Công ty Cổ phần Vua Nệm báo lỗ 54,5 tỷ đồng.
Năm 2017, Mekong Capital đã rót 58 tỷ đồng vốn đầu tư vào doanh nghiệp này, qua đó thúc đẩy thương vụ sáp nhập Dem.vn và Vuanem.com thành thương hiệu Vua Nệm như hiện nay. Đến năm 2019, Vua Nệm đẩy mạnh E-Commerce và phát triển hệ thống lên đến 59 cửa hàng. Đến tháng 12/2021, Vua Nệm có tổng cộng 115 cửa hàng trên toàn quốc và dự kiến mở rộng đến 500 cửa hàng vào năm 2023.
Đến thời điểm này, chỉ duy nhất một cái tên báo lãi trong danh mục đầu tư của Mekong Capital là Công ty Cổ phần Kinh doanh F88. Năm 2022 F88 lãi sau thuế đạt 212 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021. Đáng chú ý, ROE F88 tăng đáng kể từ 11,1% lên 31,6%.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản F88 đạt 4.435,6 tỷ đồng, tăng 98,8% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đạt 853 tỷ đồng (tăng 75,8%), nợ phải trả 3.582,6 tỷ đồng (tăng 105,1%). Dư nợ trái phiếu hơn 1.450 tỷ đồng, giảm gần 6,6%.
Tính tới cuối năm 2022, cơ cấu cổ đông hiện tại của F88 gồm ông Phùng Anh Tuấn (17,84%), Quỹ đầu tư Mekong Capital (37,03%), và Quỹ Granite Oak (11,63%).
Hồi tháng 3/2023, F88 đã huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD (tương đương gần 1.200 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C với 2 nhà đầu tư dẫn đầu vòng này là Quỹ Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).