Nhóm, được gọi là "Các triệu phú yêu nước", đã xuất bản một bức thư ngỏ vào đầu tuần này, nhắc lại lời kêu gọi những người tham dự Diễn đàn "thừa nhận mối nguy hiểm của tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo chưa được kiểm soát trên toàn thế giới” và công khai ủng hộ các nỗ lực đánh thuế người giàu."
Nhóm "Các triệu phú yêu nước", bao gồm người thừa kế Disney Abigail Disney, Tim Disney và nhà đầu tư mạo hiểm Nick Hanauer, một nhà đầu tư ban đầu vào Amazon. Nhóm có các bên ký kết từ tám quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Canada và Vương quốc Anh.
Họ lập luận rằng nền tảng của một nền dân chủ mạnh mẽ là một hệ thống thuế công bằng, thu hẹp khoảng cách giữa những người bình thường và những người siêu giàu. Để khôi phục cơ bản niềm tin đó, các chính phủ trên toàn thế giới cần áp thuế cao hơn đối với những người giàu có hơn.
Bức thư được đưa ra cùng lúc với Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra trong tuần này tại Davos, Thụy Sĩ, một cuộc hội tụ của các nhà lãnh đạo thế giới, các giám đốc điều hành doanh nghiệp và giới tinh hoa khác. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên ở Davos kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hơn hai năm trước.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức triệu phú yêu nước, cùng với nhóm vận động Oxfam và các tổ chức phi lợi nhuận khác, cho thấy rằng mức thuế tài sản 2% đối với những người có giá trị hơn 5 triệu USD và 5% đối với những người có giá trị hơn 1 tỷ USD có thể tạo ra 2,52 nghìn tỷ USD, đủ để nâng 2,3 tỷ người thoát nghèo trên toàn thế giới và để đảm bảo chăm sóc sức khỏe và bảo vệ xã hội cho các cá nhân ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Một nghiên cứu riêng biệt của Oxfam cho thấy tài sản của 10 cá nhân giàu nhất thế giới đã tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD kể từ tháng 3/2020, khi nền kinh tế thế giới bắt đầu đóng cửa và thị trường chứng khoán suy thoái.
Hơn 130 quốc gia đã đạt một thỏa thuận được chờ đợi từ lâu vào năm ngoái về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% và các chính sách khác nhằm ngăn chặn việc tránh thuế quốc tế. Các cuộc đàm phán, kéo dài nhiều năm và thường có vẻ trên bờ vực sụp đổ, đã được củng cố bởi sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Nhưng những nỗ lực để chính thức áp dụng mức thuế tối thiểu kể từ đó đã bị đình trệ ở cả Hoa Kỳ và EU.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trước đây ước tính thỏa thuận được ký kết bởi 137 quốc gia và khu vực pháp lý, sẽ phân bổ lại 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất cho các quốc gia trên toàn thế giới, do đó "đảm bảo rằng các công ty này thanh toán một phần thuế công bằng ở bất cứ nơi nào họ hoạt động và tạo ra lợi nhuận." Tuy nhiên, một số nhóm lobby ở Hoa Kỳ lập luận rằng mức thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ bằng cách đẩy doanh nghiệp ra khỏi đất nước.